Lê Xuân Khoa sinh năm 1983, học tập và hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Anh được xem là một trong những “tượng đài” của cộng đồng blogger Việt Nam thế hệ đầu tiên, trang blog Demento của anh luôn nằm trong số 10 blog có lượng xem cao nhất trên Yahoo 360 những năm 2007, 2008. Tiểu thuyết Lá rơi trong thành phố, xuất bản năm 2013 của anh tạo dựng hình ảnh một thế hệ trẻ được đông đảo bạn đọc đón nhận. Từ năm 2012 anh quyết định rẽ theo một hướng viết khác: khai thác các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển những tinh hoa của văn hóa Việt Nam.
Hành trình mới chỉ bắt đầu
- Sinh năm 1983, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, tại sao anh lại lựa chọn một đề tài tương đối khó như vậy: viết tiểu sử của một chính khách khác biệt lớn về thế hệ?
- Văn chương, viết lách rất cần vốn sống, nhưng vốn sống không đến chỉ bởi thời gian trôi qua. Theo năm tháng, bạn già đi, bạn nhiều tuổi hơn nhưng nếu bạn không sẵn sàng học hỏi, không mở lòng đón nhận cuộc sống, không để cuộc sống ngấm vào bạn, thì bạn chỉ trở nên cũ kỹ chứ không trưởng thành. Sự trưởng thành đi kèm với sự tươi mới, bạn là một dòng chảy liên tục... Trước đây tôi cũng không nghĩ tôi lại viết thể loại này. Thế mạnh của tôi thiên về sáng tác văn học. Tôi cũng không phải là người hay bàn luận chuyện chính trị, tôi quan tâm nhiều hơn đến văn hóa và phát triển tâm thức. Nhưng cuộc sống luôn là một câu chuyện bất ngờ nhất mà chúng ta không thể đoán trước được.
Viết cuốn sách này là tôi làm theo sự mách bảo của số phận. Lúc nào cũng đi theo lối an toàn thì làm sao ta tìm ra những miền đất mới? Có thể trải nghiệm cuộc sống của tôi chưa già dặn, nhưng tôi có nỗ lực và những tố chất riêng để có thể tạo ra dấu ấn trong những tác phẩm của mình. Khác biệt lớn về thế hệ không thành vấn đề nếu con người có sự thấu hiểu và đồng cảm nào đó bên trong. Tôi hãnh viện vì được viết về bác Bùi Kiến Thành.
- Trước khi viết anh có e ngại không được tin tưởng từ phía nhân vật mình chọn?
- Như đã chia sẻ trong sách, trước đây tôi từng có dịp làm việc cùng bác Thành. Do vậy, khi cơ hội được viết cuốn sách về cuộc đời bác đến, tôi cho đó là một mối "duyên kỳ ngộ" mà ông trời sắp đặt. Tôi chỉ lo lắng một chút thôi, vì lần đầu tiên viết một cuốn sách phi hư cấu, lại có nội dụng "nặng đô" như thế, nhưng phần nhiều là cảm giác hào hứng, phấn khích. Ngay lúc đó tôi nghĩ, việc chấp bút cuốn sách này hẳn phải dành cho mình, không ai khác ngoài mình có thể làm tốt hơn.
Bác Bùi Kiến Thành rất cởi mở và tin tưởng tôi, ngay từ đầu tôi không thấy bất cứ sự hoài nghi nào .
- Muốn làm mới mình, khám phá khả năng của mình anh có thể tìm kiếm cách thể hiện và có ý tưởng độc đáo hơn ở những đề tài người trẻ hứng thú như tình yêu, cuộc sống đương thời… Một tiểu thuyết như thế hẳn sẽ bán chạy hơn một cuốn tiểu sử khô khan?
- Tôi không cho rằng cuốn sách này khô khan. Mặc dù có đề tài chính luận, phi hư cấu nhưng chắc chắn nó sẽ không tạo cảm giác mệt mỏi hay nhàm chán. Cuộc đời của bác Bùi Kiến Thành vốn đã thú vị bởi mỗi giai đoạn là một mảng màu riêng, không trộn lẫn. Cách xử lý của chúng tôi càng khiến nó trở nên không trộn lẫn với những cuốn sách cùng thể loại, cũng như những cuốn sách hiện có trên thị trường.
So với đề tài về tình yêu, cuộc sống đương thời..., đề tài này chắc chắn là một bài toán hóc búa. Nhưng tôi nhận thấy mình còn rất nhiều năng lượng nên không muốn dậm chân tại chỗ, lặp lại chính mình. Hành trình của tôi mới chỉ bắt đầu, vì thế thay vì chiều lòng thị hiếu, tôi muốn thử thách bản thân, rèn giũa ngòi bút để nâng cao chuyên môn, đồng thời không ngừng học hỏi và tiếp nhận thêm vốn sống, vốn văn hóa, có như vậy mới có một nội lực bền vững để đi đường dài.
Những độc giả cũ của tôi từ "Lá rơi trong thành phố" có thế hơi bất ngờ khi tôi chuyển sang một thể loại khác hẳn, nhưng nhiều người trong số họ chia sẻ, vì tôi viết cuốn "Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du" nên chắc chắn họ sẽ đọc. Còn với những độc giả mới, tôi sẽ chinh phục họ.
Tác giả Lê Xuân Khoa. |
- Tại sao cuốn sách được thực hiện bởi một nhóm tác giả? Việc làm chung có những ưu điểm và hạn chế gì?
- Hai cộng sự của tôi là những dịch giả - biên tập viên có kinh nghiệm trong nghề làm sách: Xuân Chi và Thanh Huyền. Họ tâm huyết, sẵn sàng "lăn xả" để công việc có hiệu quả cao nhất. Hơn 40 cuộc gặp gỡ khắp ba miền Nam - Trung - Bắc, mỗi cuộc trao đổi kéo dài trung bình vài giờ đồng hồ. Để tôi có thể hoàn toàn tập trung "bay bổng" trên từng trang viết các bạn đã xử lý hết những công đoạn "cơ bắp" như bóc băng, sửa lỗi chính tả. Tôi viết đến đâu cần tra cứu, bổ sung thông tin chỉ cần "ới" một cái là họ vào cuộc.
Với một đề tài đầy thách thức thế này ba chúng tôi cùng làm mất ba năm để ra đời cuốn sách còn nếu một người tôi không dám chắc là năm năm hay mười năm. Ba người đưa ra được nhiều ý tưởng hơn, có những lựa chọn chuẩn xác hơn khi bị ngập lụt trong quá nhiều thông tin và dữ kiện, cũng có thể đỡ đần, động viên nhau khi đối mặt với khó khăn.
Cái khó của làm việc nhóm luôn là thống nhất quan điểm giữa các thành viên. Những người làm văn chương, viết lách ai cũng nhạy cảm và có cái tôi lớn, nếu không có sự nhường nhịn, chia sẻ, chấp nhận lẫn nhau, dự án có nguy cơ đổ bể bất cứ lúc nào.
- Những khó khăn gặp phải khi thực hiện cuốn sách này?
- Cuốn sách của chúng tôi gặp trở ngại và trục trắc ở hầu hết các công đoạn, không chỉ khi viết mà cả khâu trình bày, thiết kế bìa, in ấn, xin giấy phép,... Công đoạn nào cũng phát sinh ra vấn đề nên mất thời gian hơn thông thường. Tôi sẽ chia sẻ ở đây vài khó khăn.
Những cuộc tiếp xúc và trao đổi với bác Bùi Kiến Thành cùng những người liên quan diễn ra dàn trải, mỗi buổi có thể nói nhiều vấn đề chứ không phải gói gọn từng vấn đề một, do đó chúng tôi phải hệ thống lại, bóc tách và xâu chuỗi lại toàn bộ để tạo nên một câu chuyện liền mạch mà bạn đọc thấy trong sách. Trong quá trình viết, nếu thấy vấn đề nào cần làm rõ hơn, sâu hơn, chúng tôi lại tra cứu thêm tư liệu khác và đến nói chuyện với bác Thành. Chúng tôi thì còn trẻ mà các sự kiện trong sách trải dài từ đầu thế kỷ XX đến nay, trong đó có nhiều nhân vật, nhiều biến cố lịch sử hiện tại vẫn còn gây tranh cãi. Đôi khi tôi thấy hoang mang vì thông tin dữ liệu quá nhiều, không biết nên đưa cái gì vào và đưa cái nào mới chính xác.
Viết một cuốn sách liên quan đến nhiều chủ đề chính trị - xã hội nhưng tôi lại khá ngây thơ, muốn giữ tối đa những ý kiến cũng như quan điểm chủ quan của bác Thành. Ban đầu bản thảo bị trả lại, từ chối cấp phép vì một số chi tiết nhạy cảm. Tôi đã tới làm việc trực tiếp với Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới để bảo vệ bản thảo. Và sau mấy tháng trời tham vấn các đơn vị chức trách liên quan, cuối cùng chúng tôi chấp nhận việc cắt bỏ, điều chỉnh một số đoạn.
Bùi Kiến Thành và Lê Xuân Khoa ký tặng sách độc giả. |
Thực hiện cuốn sách như một sự tri ân
- Nhận thức của anh về đời sống và lịch sử có khác biệt không so với trước và sau khi hoàn thành cuốn sách? Điều gì anh thấy ấn tượng và đồng cảm với con người Bùi Kiến Thành?
- Trước đây tôi thường đặt câu hỏi: Ở thời điểm đó, chuyện gì thực sự đã xảy ra? Tôi đòi hỏi những người chép sử phải ghi lại sự thực. Lịch sử không được phép dàn xếp hay hư cấu.
Sau khi thực hiện cuốn sách này, cộng với một số cơ duyên khác trong cuộc sống, mối quan tâm của tôi có chuyển dịch. Tôi thấy rằng, bất cứ người chép sử nào, dù muốn hay không, cũng không thể không đưa quan điểm chủ quan của mình vào khi chép sử. Cùng một sự kiện, mỗi cách đưa thông tin là một cách nhìn, dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Bản thân những con chữ không bao giờ biểu hiện được hiện thực khách quan một cách tuyệt đối. Và cho dù ở thời điểm đó chuyện gì thực sự đã xảy ra thì chúng ta cũng không thay đổi được, hiện tại vẫn là cái mà chúng ta đang có. Vì vậy, tôi không truy tìm sự thật tuyệt đối của lịch sử nữa. Lúc này, tôi quan tâm nhiều hơn đến hiện tại, đến những gì chúng ta có thể làm từ bây giờ để thế giới tốt đẹp hơn.
Trí nhớ của bác Thành rất tuyệt vời. Đó là một một thuận lợi cho chúng tôi khi thực hiện cuốn sách. Tôi thấy đồng cảm với bác về quan điểm tâm linh. Bạn không cần phải đi chùa, thắp hương khấn Phật, càng không phải cắt tóc xuất gia mới là một người tu hành. Phật tại tâm, và chúng ta đang tu ngay giữa cuộc sống đời thường.
Bác Thành còn nhiều thứ thú vị lắm, nhưng có lẽ tôi để mọi người tự cảm nhận khi đọc sách.
- Anh muốn khơi dậy điều gì ở bạn đọc trẻ thông qua cuốn sách?
- Tôi mong rằng thế hệ mới sẽ vượt qua những gì đè nặng của quá khứ. Đất nước ta có 4000 năm lịch sử với bao nhiêu cuộc chiến tranh, bao nhiêu năm bắc thuộc, bao nhiêu năm làm chư hầu... Tất cả những điều đó cũng không quan trọng bằng việc bây giờ chúng ta phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và tinh thần nhân văn như thế nào để thay đổi diện mạo quê hương, làm nên những kỳ tích mới.
Những hoạt động của bác Bùi Kiến Thành tương đối thầm lặng, cộng với việc thông tin về bác trên truyền thông đại chúng còn hạn chế nên hiếm người biết tường tận về cuộc đời thú vị của bác. Chúng tôi thực hiện cuốn sách này như một sự tri ân tới những cống hiến của bác đối với đất nước.Việc nhìn lại quãng đời nhiều dấu ấn của một chứng nhân đã chứng kiến nhiều thay đổi của lịch sử cũng là cách chúng ta đúc rút những bài học để suy ngẫm và hành động cho hôm nay.
Cuốn sách là sự chia sẻ và thấu hiểu giữa hai thế hệ: một con người trải qua thời thơ ấu lúc nước nhà còn là thuộc địa với một bên là những người trẻ sinh ra trong hòa bình.