Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ thượng cờ Việt Nam giữa Washington 20 năm trước

Hè năm 1995, những tranh luận nóng bỏng về VN đã giảm nhiệt ở Thượng viện và Hạ viện sau khi Tổng thống Bill Clinton chính thức bỏ cấm vận với đất nước từng ở bên kia chiến tuyến.

Ngoại trưởng Warren Christopher trong buổi lễ khánh thành đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: Chris Runckel
Ngoại trưởng Warren Christopher trong buổi lễ khánh thành đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: Chris Runckel

Thượng nghị sĩ John Kerry phá tan những tảng băng cuối cùng về vấn đề tù binh và người Mỹ POW/MIA mất tích ở Việt Nam: "Sự kiểm kê của Việt Nam về vấn đề MIA là toàn diện nhất và kết quả nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới".

Thời cơ phát triển

Nhắc nhớ bước ngoặt bang giao với Mỹ, cựu bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết tâm sự ý nghĩa lớn nhất của sự kiện này là mở ra cánh cửa cho Việt Nam kết nối toàn diện với cực lớn của thế giới. Nó đồng nghĩa Việt Nam vào được thị trường lớn nhất thế giới và mở ra tương lai phát triển đất nước.

Ông Triết kể: "Năm 1994, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros - Ghali đã mời Việt Nam dự Hội nghị phát triển thương mại của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, Mỹ.

Chính vị tổng thư ký này đã vui vẻ gặp riêng tôi bên lề hội nghị và nói sẽ thiết kế cho đoàn Việt Nam một buổi gặp gỡ đặc biệt với phía Mỹ để hai bên cùng bàn bạc những vấn đề cùng quan tâm".

Nhiều năm đã trôi qua, ông Triết vẫn nhớ nhân vật đó là Ron Brown, bộ trưởng thương mại Mỹ. Vì buổi gặp gỡ được sắp xếp cận giờ nên ông Triết trực tiếp nhận lời mà không kịp báo cáo về Hà Nội. Phòng họp được sắp xếp kế bên khu vực hội nghị. Mặc dù rất bận rộn, nhưng ông Ghali vẫn đến sớm và lần lượt trang trọng giới thiệu phía Việt Nam với Mỹ và ngược lại để hai bên trao đổi với nhau rồi mới xin lỗi rời đi trước.

Ông Brown chủ động nói: "Tôi hân hạnh thông báo cho ngài biết sắp tới dự kiến tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố xóa bỏ cấm vận với Việt Nam. Ý ngài thế nào? Và chính phủ ngài thế nào?".

Ông Triết đáp lời cảm ơn và nói rằng đó cũng là mong mỏi của nhân dân, chính phủ của hai nước. Bộ trưởng Brown nói tiếp chắc chắn Mỹ sẽ sớm xóa bỏ cấm vận. Ông Triết nhẹ nhàng trả lời rằng điều bất hạnh lớn nhất giữa hai nước là để nổ ra cuộc chiến tranh vừa qua, giờ đây phải khép lại quá khứ để đi đến tương lai hòa bình và hợp tác cùng nhau...

Sau đó, ông Ron Brown đã mở tiệc chiêu đãi bộ trưởng Thương mại Việt Nam và nhắc đi nhắc lại ý hai nước cần nhanh chóng xúc tiến trao đổi thương mại ngay sau khi xóa bỏ cấm vận. Việt Nam rất cần mở ra thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, và Mỹ cũng thấy nhiều cơ hội đầu tư vào một đất nước Việt Nam đang tái thiết, phát triển sau chiến tranh.

Trên đường về nước, ông Triết bất ngờ nhận điện của Văn phòng Chính phủ yêu cầu về đến nơi phải đến gặp thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay. Từ sân bay, ông Triết về thẳng Văn phòng Chính phủ, thấy các ông Nguyễn Mạnh Cầm và Võ Văn Kiệt đã ngồi đợi sẵn.

Ông Kiệt chăm chú lắng nghe từng lời và giao ngay các việc chuẩn bị quan trọng về ngoại giao cho ông Nguyễn Mạnh Cầm và thương mại với Mỹ cho ông Triết. Thủ tướng Kiệt nhấn mạnh: "Đây là thời cơ phát triển đất nước".

Đại sứ Lê Văn Bàng trình quốc thư lên tổng thống Bill Clinton. Ảnh tư liệu: Lê Văn Bàng
Đại sứ Lê Văn Bàng trình quốc thư lên tổng thống Bill Clinton. Ảnh tư liệu: Lê Văn Bàng

Lá cờ Việt Nam ở thủ đô Mỹ

Ngày 11/7/1995, tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam:

"Hôm nay tôi loan báo việc bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ thời gian đầu của chính quyền này, bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đều dựa vào sự tiến bộ đạt được về vấn đề những người Mỹ bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ hay bị bắt làm tù binh.

Năm ngoái, tôi đã hủy bỏ lệnh cấm vận buôn bán đối với Việt Nam để đáp sự hợp tác của họ, và nhằm tăng cường những nỗ lực của chúng ta bảo đảm tìm kiếm hài cốt của người Mỹ mất tích và xác định số phận của những người mà hài cốt của họ vẫn chưa tìm thấy.

Việc làm này có tác dụng. Trong vòng 17 tháng, Hà Nội đã thực hiện những bước quan trọng giúp chúng ta giải quyết được nhiều trường hợp. 29 gia đình đã nhận được hài cốt người thân của họ và cuối cùng đã có thể mai táng trang trọng. Hà Nội đã trao cho chúng ta hàng trăm trang tài liệu rọi ánh sáng vào những gì đã xảy ra đối với người Mỹ ở Việt Nam...".

Đó là một phần quan trọng trong bài phát biểu của tổng thống Bill Clinton. Ngày 12/7/1995, thủ tướng Võ Văn Kiệt đáp lại: "Tuyên bố của tổng thống Bill Clinton công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường hóa với Việt Nam là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Quyết định này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới...".

Sau bước ngoặt lịch sử này, Mỹ và Việt Nam thành lập đại sứ quán ở thủ đô hai nước. Ông Lê Văn Bàng kể, năm 1976 Chính phủ Mỹ đã chụp hình văn phòng đại sứ quán Việt Nam cộng hòa ở Washington và nói "đây là tài sản của các ông". Nó là sự sòng phẳng giữa tài sản của Mỹ còn ở miền Nam Việt Nam sau năm 1975 và tài sản của Việt Nam (trước đó là của Việt Nam cộng hòa) ở Mỹ.

Nhiều năm nhắc chuyện này, ông Bàng vẫn nhớ: "Năm 1995, Mỹ trao chìa khóa tòa nhà đại sứ của chế độ cũ cho mình. Nó đã xuống cấp rất nhiều sau 20 năm đóng cửa. Công việc sửa chữa không khó khăn, nhưng ngày chính thức ra mắt đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại có một vấn đề phức tạp phải tính toán, giải quyết".

Ông Bàng kể, hai việc quan trọng trong lễ ra mắt đại sứ quán là dựng bảng và thượng quốc kỳ. Tòa đại sứ cũ lại nằm sát bên đường trong khi tình hình lúc ấy vẫn còn một số người kịch liệt chống đối việc Mỹ "bắt tay" với Việt Nam.

"Lễ khai trương ấn định ngày 5/8/1995, thư mời đã gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ không thể thay đổi được. Trong khi đó, tình hình từ nhóm chống phá rất nguy hiểm mà tòa nhà lại nằm sát bên đường. Chúng tôi bàn với nhau là bằng mọi giá phải bảo đảm an ninh, thành công cho lễ thượng cờ, nhưng cũng không để xảy ra chuyện gì gây căng thẳng quá mức với những đồng bào người Việt còn hiểu sai về mình" - ông Bàng kể.

Sau khi tính toán các phương án, cuối cùng ông Bàng đã quyết định dời lễ khai trương, thượng cờ ở Đại sứ quán Việt Nam lên sớm hơn một giờ so với thư mời. Giờ mời trong thư là 9h được đôn lên lúc 8h.

Thư mời cũng không được in lại, mà để cận ngày mới điện thoại thông báo cho khách biết sự điều chỉnh giờ giấc. Buổi sáng hôm ấy, bầu trời thủ đô nước Mỹ rất đẹp. Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tung bay phần phật trong gió.

Việt - Mỹ và sự cân bằng giữa các nước lớn

"Xây dựng niềm tin và tôn trọng lẫn nhau là điểm nhấn trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", bà Phương Nguyễn, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS đánh giá.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150710/le-thuong-co-dac-biet/775185.html

Theo Quốc Việt/Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm