HLV Lê Huỳnh Đức nổi tiếng là người cứng rắn, kỷ luật và không khoan nhượng. |
Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Huỳnh Đức, cả trên cương vị cầu thủ lẫn huấn luyện viên, đều là những cuộc tranh cãi hai mặt không hồi kết. Anh có thể là chân sút huyền thoại, nhưng cũng có thể là quyền lực đen. Anh có thể là nhà cầm quân đầy mưu lược, nhưng cũng có thể là gã độc tài.
Cá tính của Huỳnh Đức là lợi thế, nhưng cũng chính là thiếu khuyết rất lớn của anh. Anh mạnh mẽ, đến mức bạo tàn. Anh quyết đoán, đến mức độc đoán. Anh là mẫu tiền đạo chơi độc lập, mẫu HLV làm việc khu biệt, nhưng cũng là mẫu người khép kín đến mức cô độc.
Mọi ứng xử của Huỳnh Đức đều bị đẩy lên thành thái cực, ở đấy không có sự dung hoà. Khi bầu Hiển trao cho anh cây quyền trượng, anh biến ưu thế đó thành tối thượng. Anh không chỉ là thuyền trưởng, mà là tù trưởng, và Đà Nẵng trở thành bộ lạc tuân theo luật lệ của anh.
Huỳnh Đức chính là cầu thủ lớn cuối cùng mà CLB Đà Nẵng từng có được. Khi Huỳnh Đức thành HLV, chỉ có anh phủ cái bóng của mình trùm lên tất cả. Từ công thần Merlo đến Quả bóng Vàng Quốc Anh, chẳng ai có tiếng nói ngang tầm Huỳnh Đức.
Cầu thủ Đà Nẵng vẫn rỉ tai nhau rằng việc của họ là gắng khoẻ bằng mọi giá và gắng tập chăm bằng mọi cách. Còn thi đấu như thế nào, đối thủ ra sao, cái đó xin miễn ý kiến. Bởi vì Huỳnh Đức là người quyết hết.
Sau nhiều năm gắn bó với Đà Nẵng, HLV Lê Huỳnh Đức đã mang về cho mảnh đất này 2 chức vô địch V.League vào các năm 2009 và 2012. Ảnh: Thanh Hà. |
Triết lý hành nghề của Huỳnh Đức hầu như xoay quanh cái gọi là “quân pháp”. Mà quân pháp thì vô tình. Người ta bảo cái hay của Đức là đưa mọi thứ vào khuôn khổ, nhưng cái dở của Đức là đè nén khuôn khổ ấy thành một cái vòng kim cô chính hiệu.
Trong cái vòng kim cô ấy, nghỉ một buổi tập vì bất cứ lý do gì cũng có thể coi là lỗi. Và nếu anh chấn thương, anh gần như chẳng nhận được sự cảm thông nào.
Đà Nẵng có nhiều thời điểm ngột ngạt như trại lính. Những ai trót làm mếch lòng Huỳnh Đức, ắt là đối diện nguy cơ trừng phạt dài dài. Trừng phạt cũng gồm nhiều cách, ngồi dự bị, lên khán đài, hoặc đi thì dở, ở chẳng xong…
Người yêu bóng đá Đà Nẵng, tất nhiên ủng hộ Huỳnh Đức trên những khía cạnh chuyên môn, bằng cấp và sự đĩnh đạc, nhưng họ cũng oán thán bởi Huỳnh Đức chính là tác nhân làm “chảy máu” quá nhiều tài năng bản địa. Đà Nẵng giai đoạn đầu của triều đại Huỳnh Đức như bầu trời vằng vặc đầy sao, nhưng khi kết thúc triều đại ấy, chẳng khác gì một đêm mưa giông tăm tối.
Huỳnh Đức có may mắn là tiếp quản lứa trẻ tài năng từng vô địch 2 năm liền giải U21 (năm 2008, 2009). Nhưng đám tuấn kiệt ấy không thể thành danh, vì tản mát mỗi số phận một phương trời.
Có người vì chấn thương không được chăm sóc mà sớm từ giã đỉnh cao như tiền vệ Ngọc Thông. Có người vì không đất dụng võ mà phải “tha hương” như thủ thành Xuân Nam, Văn Mẹo… Có người lắt lay ở lại như Thanh Hưng, Nguyên Sa, nhưng rốt cuộc vẫn phải tìm bến đỗ mới cho mình để cứu vãn đời đá bóng. Điểm mặt cả đội bây giờ chỉ còn lại vài gương mặt như Hoàng Quảng, Thanh Bình là có thâm niên gắn bó lâu dài.
10 năm cầm sa bàn, Huỳnh Đức cũng không ít lần trải qua sóng gió, nhưng bầu Hiển chưa từng có ý định “thay ngựa giữa dòng”. Ông hiểu, trong làng HLV nội, chẳng còn ai hơn Huỳnh Đức để cầm Đà Nẵng, nhất là khi người con ruột của Đà Nẵng là Phan Thanh Hùng đã được thuyên chuyển ra Thủ đô, rồi ngược về đất Quảng Ninh.
Nhưng giờ là lúc chính Huỳnh Đức cũng đã mỏi mệt với vị thế của mình và thấm thía sự tréo ngoe của một người có quyền nhưng không còn lực. Ông chủ của anh, ắt là cũng đã vơi cạn tình yêu với xứ Đà, thứ tình yêu vốn chỉ dành cho một đứa con nuôi. Còn Đà Nẵng, có lẽ cũng nhận ra thời điểm cần hạ bệ một vương triều với quá nhiều đứt gãy trong lòng nó.
Một cuộc chia tay giống như cởi trói, mà ở đó, sự ngậm ngùi bị lấn át bởi nỗi hả hê…