Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM, Lễ hội bánh mì Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ ngày 30/3 đến hết ngày 2/4 đã thu hút gần 100.000 người tham gia. Con số này vượt quá sự mong đợi của BTC.
Xuyên suốt lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn như hội thảo chuyên đề thu hút 400 khách mời, công diễn 105 món ăn kèm với bánh mì, trưng bày bánh mì, thưởng thức bánh mì tại lò...
Rất đông người hào hứng tham gia lễ hội bánh mình tại NVH Thanh Niên. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Ngoài ra, lễ hội bánh mì còn tổ chức đêm gala nhằm vinh danh những thương hiệu bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm.
Sau thời gian kiểm tra, khảo sát các hồ sơ đề cử, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings chính thức xác lập top 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại TPHCM gồm: Bánh mì cụ Lý; Bánh mì Tăng; Bánh mì Tuấn 7 Kẹo; Bánh mì Nguyên sinh BisTro-Est, Bánh mì Bảy Hổ, Bánh mì Như Lan, Bánh Mì Bảy Quang, Bánh Mì Hoàng Oanh, Bánh mì Hòa Mã, Bánh mì Cô Điệp.
Ban tổ chức cũng thừa nhận lễ hội còn nhiều điều chưa đạt như mong muốn do số lượng khách tải ngoài dự kiến. Cụ thể, không gian tại các gian hàng không có hệ thống quạt nên rất nóng bức, không gian trưng bày bánh mì chưa đủ rộng lớn để du khách phải chen lấn chụp ảnh, sân khấu sự kiện quá nhỏ...
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM - chia sẻ để đảm bảo yếu tố an toàn cũng như độ tươi ngon của sản phẩm, BTC yêu cầu các gian hàng không được bỏ nhân vào bánh trước, phải làm đúng quy trình như khi khách mua một ổ bánh mì bên ngoài. Do đó, thời gian làm bánh mì dài hơn, khách phải chờ lâu hơn.
BTC cũng ghi nhận và cân nhắc ý kiến tổ chức lễ hội bánh mì những lần tới ở địa điểm rộng rãi hơn như phố đi bộ Nguyễn Huệ hay Lê Lợi.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế