Sáng 26/12, tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên (phố Khâm Thiên, Hà Nội) đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ và nạn nhân vô tội trong trận chiến 12 ngày đêm tháng 12/1972. Dù 50 năm đã trôi qua, những ký ức kinh hoàng về trận rải bom của B52 vẫn in sâu trong tâm trí người dân Hà Nội. |
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ phường Khâm Thiên và nhân dân thủ đô đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào bị bom Mỹ sát hại vào tháng 12/1972. |
Cách đây 50 năm, vào lúc 22h30 ngày 26/12/1972, khi dư âm của đêm Giáng sinh vẫn còn đọng lại, 30 máy bay B52 của quân đội Mỹ đã ném bom xuống con đường Khâm Thiên, con phố đông đúc ở Hà Nội thời bấy giờ. Vệt bom hủy diệt kéo dài 1.000 m với chiều rộng 40-50 m. Trận ném bom cướp đi sinh mạng của 287 người dân, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em và khiến 290 người bị thương, 178 em nhỏ thành trẻ mồ côi. |
Đặt giữa trung tâm đài tưởng niệm là bức tượng lấy nguyên mẫu từ hình ảnh người phụ nữ Hà Nội thiệt mạng ở chân cầu thang nhà số 47. Người mất trong tư thế đứng ôm chặt con vào lòng. |
Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, tất cả 7 người sinh sống tại ngôi nhà này năm ấy đã thiệt mạng. Mảnh đất này ngày nay trở thành đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ" và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. |
Trong khuôn viên đài tưởng niệm là phòng lưu niệm trưng bày hình ảnh những nạn nhân trong trận bom kinh hoàng của quân đội Mỹ. Tượng xi măng người mẹ ôm con cao 2,4 m do họa sĩ Nguyễn Tự khắc vào năm 1973 được cất giữ trong phòng lưu niệm. Đến 1997, tượng được đúc đồng theo nguyên mẫu tượng xi măng được đặt ở vị trí tượng cũ ở khuôn viên bên ngoài và đổi tên thành "Đài Tưởng niệm Khâm Thiên". |
Năm nào vào dịp này, bà Võ Thị Hợp (85 tuổi) cũng đến thắp hương ở Đài Tưởng niệm Khâm Thiên. Hình ảnh về đêm kinh hoàng tang thương, chết chóc đó vẫn in sâu trong ký ức của bà. |
Bà Hợp nghẹn ngào, chua xót khi chứng kiến cảnh những người dân trong khu phố mình phải nằm xuống vì chiến tranh. "Gia đình tôi may mắn được sống sót nhưng sáng 27/12 tôi bước ra ngõ chợ Khâm Thiên thì khung cảnh tan hoang, xác người nằm la liệt", bà nhớ lại. |
Trận bom kinh hoàng đêm đó đã cướp đi 5 người thân của bà Chu Thị Hòa (sinh năm 1942), trong đó có mẹ chồng, chồng, vợ chồng em gái và em trai út của bà. "Khi nghe tiếng còi báo động, tôi cùng mẹ chồng chạy xuống hầm trú ẩn của xóm, còn chồng và 3 người em trốn ở hầm gần nhà. Lúc bom rải cùng đất đá trút xuống, tôi được cứu hộ kịp thời, còn mẹ chồng bị vùi kín rồi chết ngạt", bà Hòa không quên những ký ức đau buồn. |
"Lúc đó tôi rất hoảng loạn khi chứng kiến 4 người thân trong gia đình đều thiệt mạng. Chồng và các em tôi sau đó được lên, chỉ duy nhất mẹ chồng là không tìm thấy. Cho đến tận bây giờ gia đình chúng tôi vẫn chưa tìm thấy bà. May mắn 3 người con của tôi còn sống sót, chúng là niềm an ủi cuối cùng với tôi", người phụ nữ lớn tuổi ngậm ngùi nhắc lại. |
Ông Trần Hậu Tuấn (sinh năm 1942) cùng vợ tới thăm hương tại đài tưởng niệm. Gia đình ông có 4 người thân mất là em chồng, em dâu, hai cháu (em dâu đang mang thai). Thời điểm đó ông đang đi bộ đội ở Hưng Yên. Đêm 26/12, ông nhận tin phố Khâm Thiên bị đánh bom nên rất lo lắng. Ngay trưa 27/12, ông trở về nhà thấy người thân đã không còn. |
Người dân Khâm Thiên nói riêng và người dân thủ đô nói chung, hàng năm vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và đặc biệt dịp kỷ niệm trận Điện Biên Phủ trên không lại đến đây dâng hương tưởng niệm những người đã khuất và tri ân công lao của những người anh hùng làm nên chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội. |
Vị trí Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.