Một cuộc cải cách mạnh mẽ bên trong đã công bố nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Thách thức cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong năm mới này là vô cùng lớn.
Món nợ dư luận
Năm Bính Thân, Bộ Công Thương có lẽ là bộ "đen đủi" nhất bởi các sự vụ gây bức xúc dư luận từ công tác tổ chức cán bộ đến việc quản lý, triển khai dự án đầu tư.
Nặng nhất là vụ án khởi tố hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, những sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải và đặc biệt là việc kỷ luật ở mức cao nhất cả về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Vũ Huy Hoàng - cách chức Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016, khiển trách đối với đương kim Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong lĩnh vực đầu tư, cả 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ được công bố khiến Chính phủ phải lập một ban chỉ đạo riêng để giải quyết cũng đều thuộc Bộ Công Thương.
Trong lĩnh vực năng lượng, việc các hồ thuỷ điện miền Trung đồng loạt xả nước, khiến lũ chồng lũ, nhấn chìm nhà dân trong biển nước, rồi những sự cố về môi trường ở nhà máy nhiệt điện than... đã tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại trong nhân dân về chủ trương phát triển ngành năng lượng.
Đỉnh điểm của các vấn đề nóng bỏng là, giữa lúc dư âm bức xúc về sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra còn đang sâu đậm, hệ quả cho đời sống dân sinh xã hội vẫn còn đó thì Bộ Công Thương lại đặt vấn đề bổ sung dự án Thép Cà Ná nằm ven biển Bình Thuận vào quy hoạch thép.
Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm 2017 có nhiều phép thử với Chính phủ mà trong đó có không ít việc thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Bà đặt vấn đề: "Liệu Bộ Công Thương có từ bỏ thép Cà Ná không?" "hay "Tổng sơ đồ 7 về phát triển điện cần xem lại, vì đang có rất nhiều dự án nhiệt điện than, trong khi môi trường đang là một thách thức và Chính phủ đã tuyên bố không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế".
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng thẳng thắn: "Nếu tôi là bộ trưởng, tôi sẽ gạt phăng dự án ấy. Bây giờ không còn là lúc theo đuổi những ngành công nghiệp ô nhiễm".
Sự băn khoăn và nghi ngại trong các chuyên gia kinh tế về chính sách điều hành của Bộ Công Thương là rất lớn.
Đó có thể là một món nợ lớn đối dư luận mà 8 tháng qua, ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh chưa thể giải quyết ngay được.
Chỉ dấu lạc quan từ cuộc cải cách bom tấn
Dù vậy, bức tranh về ngành công thương, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn có những điểm sáng mang tính đột phá đáng ghi nhận.
TS Nguyễn Đình Cung mặc dù rất băn khoăn với vị bộ trưởng này ở vấn đề "thép Cà Ná" nhưng đã không ngần ngại nói rằng: "Bộ Công Thương đã thực sự làm được rất nhiều việc và tôi đánh giá rất cao những nỗ lực đó".
Điều mà ông Cung muốn nói tới là Quyết định 4846 ban hành ngày 9/12/2016 của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Theo đó, ngành công thương sẽ bãi bỏ và đơn giản hoá 123 thủ tục hành chính. Con số này vượt gấp 10 lần số các thủ tục của ngành công thương mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị sửa đổi tới Chính phủ trước đó.
Hình ảnh đồ hoạ về dự án thép Cà Ná.
|
Theo ông Cung - một người gắn bó với dự án cải cách thể chế "xuyên thế kỷ" - những thủ tục mà ông Trần Tuấn Anh bãi bỏ hay sửa đổi đó đã giải toả được nỗi bức xúc lâu nay trong doanh nghiệp, giải quyết được những việc mà doanh nghiệp tưởng đã tuyệt vọng.
Hàng loạt những loại giấy tờ điển hình cho cơ chế xin-cho, tốn hàng tỷ đồng của doanh nghiệp đều được bãi bỏ như giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép, quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong dệt may nhập khẩu, dán nhãn năng lượng...
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI - là người tưởng như rất bất đồng với Bộ Công Thương bởi đã luôn trực chiến phản biện những rủi ro chính sách từ bộ này - thậm chí đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng: "Hoan hô Bộ trưởng Trần Tuấn Anh".
Tuy nhiên, Bộ Công Thương còn có một cuộc cải cách "bom tấn" khác, thực sự gây chấn động và tạo sự phấn khích trong giới quan sát, đó chính là đề án tái cơ cấu, tinh giản bộ máy hành chính của Bộ.
Theo đề án này, Bộ Công Thương sẽ giảm 7 đầu mối đơn vị cục, vụ chức năng. Rất nhiều đơn vị sẽ phải chia tách hoặc sáp nhập, kéo theo, nhiều cái tên cục, vụ sẽ biến mất, đồng nghĩa, sẽ có không ít vị vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó bị dôi dư. Tất yếu, một đề án có nguy cơ động chạm đến "con ông cháu cha" là việc chưa từng có tiền lệ ở các vị tư lệnh ngành mới lên nắm quyền, nên có thể coi là kế hoạch "lấy đá ghè chân mình" của ông Trần Tuấn Anh.
Phải nói rằng, ngành công thương bước sang năm 2017 là một bức tranh màu xám không dễ sửa đổi mà ở đó, có cả sự mâu thuẫn, giằng xé về các quan điểm phát triển bền vững.
Ông Trần Tuấn Anh có thực sự lập lại được trật tự ngành công thương, lấy lại niềm tin trong người dân, doanh nghiệp? Liệu ông có làm được như những gì đã cam kết: "Trong một chính phủ liêm chính, một nhà nước pháp quyền thì không có chỗ cho những quan hệ cá nhân hay những yếu tố phi pháp lý vượt lên trên", rằng "không e ngại chuyện từ chức", "sẵn sàng chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật"... nếu có sai lầm trong các quyết sách?
Chúng ta sẽ cùng chờ đợi và tạm ứng niềm tin cho ông Trần Tuấn Anh thể hiện ở năm Đinh Dậu - năm thứ 2 của nhiệm kỳ Bộ trưởng.