Theo CNN, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi thư nhắc nhở đến các nhân viên và nhà thầu của cơ quan này rằng việc chơi Pokemon Go có thể dẫn đến xác định địa điểm của một số cơ sở an ninh. Thông tin trò chơi có thể bị sử dụng trong các hoạt động gián điệp hoặc tiếp cận các thông tin mật.
Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Evans giải thích thêm rằng cơ quan này không có chủ trương cấm Pokemon Go, mà chỉ yêu cầu các nhân viên không cài ứng dụng này trong điện thoại dùng cho công việc.
Một người săn Pokemon ở gần Nhà Trắng. Ảnh: AFP |
Theo ông Evans, một sân sau trong trụ sở Bộ Quốc phòng cũng nằm trong bản đồ xuất hiện Pokemon.
"Chúng tôi không cấm, nhưng Pokemon Go, Poke Rader hay PokeFinder không nằm trong danh sách những ứng dụng được chấp thuận đối với các công cụ để làm việc. Chúng tôi khuyến khích nhân viên cân nhắc hoàn cảnh nào nên sử dụng điện thoại và thiết bị cá nhân, và tránh làm ảnh hưởng đến công việc", ông Evans nói.
Từ một trò chơi bùng nổ toàn cầu, Pokemon Go trở thành mối quan tâm của chính quyền một số nước.
Iran và nhiều quốc gia Hồi giáo thể hiện thái độ dứt khoát khi ban hành lệnh cấm hoàn toàn Pokemon Go trên lãnh thổ quốc gia. Các quan chức thuộc Hội đồng tối cao về không gian mạng, cơ quan có nhiệm vụ giám sát và điều hành Internet Iran đã ban hành lệnh cấm chơi Pokemon Go do những lo ngại về vấn đề an ninh.
Tại Israel, quân nhân bị nghiêm cấm chơi Pokemon Go trong doanh trại do nghi ngại về khả năng tiết lộ thông tin quân sự cũng như vị trí căn cứ. Chính phủ Saudi Arabia còn khôi phục lại sắc lệnh cách đây 15 năm, cho rằng các trò chơi liên quan đến Pokemon là “phi đạo Hồi”.