Trò Pokemon Go được phát hành cuối tuần qua cùng với một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Campuchia. Số lượt tải về ứng dụng này được ghi nhận tăng trưởng nhanh tại Campuchia.
Tuy nhiên, trò chơi khiến những người may mắn thoát chết qua chế độ Khmer Đỏ phẫn nộ trong những ngày gần đây, do người chơi kéo đến cả nhà tù Tuol Sleng - nay là bảo tàng nạn nhân diệt chủng - để bắt pokemon. Khoảng 15.000 người đã mất mạng tại nhà tù này trong giai đoạn cầm quyền của Khmer Đỏ từ 1975 - 1979.
Một phụ nữ tìm hiểu về các nạn nhân bị sát hại tại nhà ngục khét tiếng Toul Sleng. Ảnh: AFP |
"Đó là hành động xúc phạm linh hồn những người đã chết tại đây. Đây là một trong những nơi ghi dấu bi kịch, chứ không phải nơi để chơi game", ông Boe Meng, 76 tuổi, một trong số ít người sống sót ở nhà tù Toul Sleng, nói với AFP.
Ông Youk Chhang, giám đốc Trung tâm tư liệu Campuchia, đồng tình với ông Boeu Meng. "Nhà tù không phải là sân chơi. Đây là một nghĩa trang".
Cả 2 ông Chhang và Meng đều yêu cầu nhà sản xuất đưa bảo tàng ra khỏi danh sách bản đồ của người chơi.
Ông Chhay Visoth, giám đốc bảo tàng Toul Sleng, xác nhận nhiều người đã vào đây chỉ để bắt pokemon. Do vậy, ban quản lý cơ sở đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn.
Một người dò bắt Pokemon Go ở nhà tù Tuol Sleng ngày 9/8. Ảnh: Phnom Penh Post
|
Đây không phải lần đầu tiên người chơi pokemon tìm đến các di tích lịch sử để bắt quái thú. Trước đó, nhà sản xuất trò chơi đã phải đưa một địa điểm tưởng niệm Thế chiến 1 tại Pháp ra khỏi bản đồ, sau khi ban quản lý nơi này phàn nàn nhiều người chơi đổ xô đến và quấy rầy nơi an nghỉ của 130.000 binh sĩ.
Pokemon Go là trò chơi trên máy điện thoại, phát hành đầu tiên tại Australia, New Zealand và Mỹ vào ngày 6/7. Game này nhanh chóng tạo thành hiện tượng, vượt qua Twitter về lượng người dùng hàng ngày, giúp giá trị cổ phiếu của Nintendo tăng thêm 9 tỷ USD. Game này cho phép người dùng bắt Pokemon ở các địa điểm ngoài đời thực, sử dụng camera của smartphone khiến nhiều sử dụng thích thú.