Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lầu Năm Góc phủ nhận khả năng máy bay Nga bị bắn hạ

Quan chức Quốc phòng Mỹ vừa lên tiếng khẳng định vụ tai nạn máy bay Nga của hãng hàng không Kogalymavia tại bán đảo Sinai, Ai Cập, không phải do tác động từ bên ngoài.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Nga ở bán đảo Sinai, Ai Cập. Ảnh: ABC News

Fox News đưa tin, quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với truyền thông rằng Lầu Năm Góc khẳng định “không có khả năng chiếc may nổ do bị dính tên lửa hay hỏa lực phòng không”.

Trong khi Lầu Năm Góc cho rằng không có tác động từ bên ngoài tới máy bay, các cơ quan tình báo của Mỹ lại không loại trừ khả năng trên. Ngày 2/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết chưa có "bằng chứng trực tiếp" về việc khủng bố dính líu tới vụ máy bay của hãng hàng không Nga, tuy nhiên ông cũng không loại trừ khả năng này. 

Trước đó, ngay sau khi có thông tin về chiếc máy bay gặp nạn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tai nạn khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. IS cho biết đây là hành động để đáp trả việc Nga không kích vào các chiến binh Hồi giáo ở Syria trong một nỗ lực ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trước thông tin trên, Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi cho rằng tuyên bố của IS về việc đã bắn hạ máy bay của Nga rơi tại bán đảo Sinai chỉ là một “kế hoạch tuyên truyền”. Phía Nga cũng bác bỏ thông tin trên và cho rằng những hành động của IS xuất phát từ động cơ chính trị.

Nhà chức trách đang phân tích hộp đen của máy bay. Ảnh: CNN

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Clapper cũng tiết lộ, lực lượng chức năng đã thu giữ những chiếc hộp đen, qua đó nhiều thông tin sẽ được công bố sau quá trình phân tích. 

Đại sứ Nga tại Ai Cập, ông Serge Kirpichenko cho rằng việc kiểm tra phân tích sơ bộ hai chiếc hộp ghi dữ liệu của chiếc máy bay không đủ để đưa ra kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn. Hiện các chuyên gia của Nga và Ai Cập, cùng chuyên gia đến từ Pháp và Đức của hãng Airbus và các chuyên gia Ireland đang tiến hành kiểm tra các hộp đen.

Trước đó, Bộ Giao thông Nga khẳng định chiếc máy bay của hãng hàng không Kogalymavia đã bị vỡ ở trên không. Hãng cho rằng, trước khi gặp nạn chiếc máy bay ở trong điều kiện tốt và nguyên nhân gây tai nạn chỉ có thể giải thích là do sự tác động kỹ thuật hoặc vật lý khác, chứ không phải do phi công hay lỗi của máy bay. Điện Kremlin cũng cho biết không có lý do để loại trừ bất kỳ giả thuyết nào về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

Chiếc máy bay mang số hiệu KGL9268 của hãng hàng không Kogalymavia gặp nạn trên bầu trời Ai Cập hôm 31/10 khiến toàn bộ 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.

Phi cơ Nga gặp nạn từng quệt đuôi vào đường băng

Chuyên gia hàng không nhận định, sự cố quệt đuôi vào đường băng trước đây của phi cơ A321 có thể dẫn đến nứt khung máy bay và khiến phi cơ gãy đôi trên bầu trời Ai Cập.

Vệ tinh Mỹ phát hiện chớp sáng vào thời điểm phi cơ Nga rơi

Dữ liệu vệ tinh Mỹ cho thấy một ánh sáng lóe lên trên bán đảo Sinai của Ai Cập trùng thời điểm phi cơ Nga gặp nạn ngày 31/10, khiến 224 người tử nạn.

 

Ánh Chi

Bạn có thể quan tâm