Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lầu Năm Góc lo mất uy tín vì các phát biểu bốc đồng của TT Trump

Việc Tổng thống Donald Trump đưa ra các đe dọa quân sự hay phát ngôn bốc đồng khiến các chỉ huy quân đội Mỹ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Lầu Năm Góc.

Ba tháng qua, ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố khó hiểu với quân đội Mỹ. Đầu tiên là quyết định rút quân đầy bất ngờ khỏi Syria, khiến các đối tác người Kurd của quân đội hết sức giận dữ.

Sau đó thì tổng thống khoan hồng cho các binh sĩ phạm tội ác chiến tranh. Ông cũng đe dọa sẽ tịch thu các cơ sở dầu mỏ của Syria và gần đây nhất là đe dọa ném bom các di tích văn hóa của Iran - điều mà sau đó ông phải rút lại.

Theo Politico, trong những trường hợp này, các chỉ huy quân sự đều phải lên tiếng bảo vệ cho tổng thống, và trong nhiều trường hợp họ đã phải né tránh phản hồi trực tiếp với các bình luận của ông Trump, hay thậm chí phải thuyết phục mọi người rằng tổng thống không có ý như những gì ông nói.

Lau Nam Goc lo mat uy tin vi Trump anh 1

Phong cách phát biểu và các hành động có phần bốc đồng của Tổng thống Trump được cho là sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Lầu Năm Góc. Ảnh: Getty.

Những câu hỏi đối với uy tín của Lầu Năm Góc sẽ gây ra rất nhiều vấn đề trong thực tế. Các đồng mình sẽ không biết có thể tin lời người Mỹ nữa hay không, các binh sĩ có thể phạm tội ác chiến tranh nhiều hơn, và ngày càng nhiều hoài nghi về thông tin tình báo mà quân đội Mỹ sử dụng để biện minh cho các hành động quân sự.

Phát ngôn của Trump làm khó quân đội Mỹ

"Thật là tồi tệ. Ông Trump cơ bản là đang làm những thứ khiến người Nga và người Trung Quốc cảm thấy vui. Họ giờ có thể nói rằng 'Người Mỹ cũng giống như chúng ta. Họ làm điều gì họ muốn. Quan niệm rằng nước Mỹ khác biệt hoàn toàn là nhảm nhí'", ông Eric Edelman, người giữ chức thứ trưởng quốc phòng đặc trách chính sách dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Các quan chức quân sự cho rằng khi xung đột quân sự với Iran leo thang, hành động của tổng thống Trump sẽ cản trở quân đội Mỹ. Cụ thể, các đe dọa của ông Trump trong đó có việc thực hiện các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, sẽ thúc đẩy quan điểm trong thế giới Hồi giáo cho rằng quân đội Mỹ là một lực lượng đế quốc chiếm đóng.

Uy tín của Lầu Năm Góc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở quốc hội Mỹ, sau buổi thuyết trình của các quan chức chính quyền, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, giải thích về quyết định ám sát tướng Soleimani. Hầu hết nghị sĩ Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra không hài lòng với những lời giải thích này.

Lầu Năm Góc luôn tự hào về truyền thống phi chính trị của tổ chức này, nhưng các quan chức trước đây và hiện tại lo ngại rằng những hành động của ông Trump - bao gồm việc bỏ rơi một số đồng minh, bỏ qua chuỗi mệnh lệnh, buộc các lãnh đạo quốc phòng bảo vệ quyết định của ông trước công chúng - sẽ khiến cho các tuyên bố của Lầu Năm Góc không còn sức nặng như trước.

Lau Nam Goc lo mat uy tin vi Trump anh 2

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Điện Capitol hôm 8/1 khi tới thuyết trình với quốc hội về quyết định ám sát tướng Soleimani. Ảnh: AP.

"Bạn không còn biết rằng điều gì là chắc chắn, và điều gì là đáng tin", một cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc từng phục vụ trong chính quyền Trump nhận xét.

Hoài nghi về sự tin cậy trong những tuyên bố của Bộ Quốc phòng xuất hiện hết lần này tới lần khác, gần đây nhất là trong tuần này khi bản nháp một bức thư của tướng Mỹ gửi cho đối tác Iraq về kế hoạch rút quân khỏi nước này, đã bị rò rỉ cho giới truyền thông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley nhanh chóng tuyên bố Mỹ sẽ không rút quân khỏi Iraq, và bức thư nháp này sẽ không bao giờ được gửi đi. Nhưng thủ tướng Iraq gạt bỏ tuyên bố đó và cho biết ông sẽ coi bức thư như một chính sách chính thức của Mỹ.

Tổng thống đứng về phía Fox News

Các lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng hết sức đau đầu với việc ông Trump dường như không suy nghĩ nhiều trước khi đưa ra các phát biểu, khiến họ phải vật lộn để tìm cách giải thích.

Gần đây nhất, tổng thống Mỹ tuyên bố rằng sẽ ném bom các di tích văn hóa của Iran nếu nước này đáp trả vụ ám sát tướng Soleimani. Nếu được thực hiện, vụ tấn công như vậy sẽ vi phạm cả hiệp ước do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn cũng như Công ước Geneva.

Sau phát biểu đó của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper lại phải nhảy vào để giải quyết khủng hoảng truyền thông.

"Chúng tôi sẽ tuân theo quy ước của xung đột vũ trang", ông Esper nhấn mạnh với các phóng viên, tránh bình luận trực tiếp về việc tổng thống đã đe dọa làm một điều bất hợp pháp.

Michael Rubin, cựu cố vấn về Iraq và Iran tại Lầu Năm Góc từ 2002 đến 2004 nhận định: "Những bình luận của ông Trump về việc nhắm vào các di tích văn hóa - một mệnh lệnh bất hợp pháp mà nếu ông ấy đưa ra thật thì Lầu Năm Góc không bao giờ có thể tuân theo - đã nêu bật những gì xảy ra khi phong cách chính trị của Trump xung đột với các quy trình pháp lý và kế hoạch mà Lầu Năm Góc gây dựng trong nhiều thập kỷ".

Chỉ vài tuần trước đó, ông Trump có hành động khó tin khi ân xá cho ba tội phạm chiến tranh đã bị buộc tội hoặc kết án. Quyết định này vấp phải sự phản đối trong quân ngũ và từ quốc hội, rằng tổng thống đang can thiệp vào hệ thống tư pháp của quân đội, và khuyến khích sự vô kỷ luật, ảnh hưởng đến tinh thần trong quân ngũ.

"Có cảm giác thất vọng từ các lãnh đạo cấp cao trong Lầu Năm Góc rằng tổng thống và bộ trưởng quốc phòng sẽ đứng về phía những cái mồm to ở Fox News để chống lại sự phản đối có lý do của các chuyên gia quân sự cấp cao", một quan chức quân đội Mỹ chia sẻ với Politico.

Ở ví dụ khác, ông Trump đã khiến cho những ý kiến chỉ trích các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông có dịp quay trở lại khi nhắc đến dầu mỏ.

Sau khi đột ngột ra lệnh cho hầu hết quân đội Mỹ rời khỏi Syria, tổng thống đã nói với các phóng viên rằng: "Chúng ta đang giữ dầu, chúng ta đã có dầu, dầu vẫn an toàn, chúng ta chỉ giữ các binh sĩ lại vì dầu".

"Điều đó có thể giúp chúng ta vì chúng ta nên có thể lấy đi một số (dầu). Và những gì tôi dự định làm, có lẽ là thỏa thuận với Exxon Mobil hoặc một trong những công ty tuyệt vời của chúng ta để đến đó và làm điều đó (lấy dầu) đúng cách", ông Trump nói hôm 27/10.

Lầu Năm Góc nhanh chóng phải hiệu chỉnh. Phát ngôn viên Jonathan Hoffman khẳng định doanh thu từ các mỏ dầu ở phía bắc Syria sẽ không thuộc về người Mỹ, mà được dành cho người Kurd ở địa phương.

Lau Nam Goc lo mat uy tin vi Trump anh 3

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley thường xuyên phải giải thích các tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump với báo giới. Ảnh: Getty.

Ông Esper lại một lần nữa phải xuất hiện và giải thích rằng ý của tổng thống là bảo vệ các cơ sở dầu mỏ này khỏi tay IS.

Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao từ lâu đã tìm cách chống lại nhận thức của công chúng rằng cuộc xâm lược Iraq năm 2003 được thiết kế để giúp Mỹ kiểm soát dầu mỏ ở Trung Đông.

Các cựu quan chức của Lầu Năm Góc cho rằng tuyên bố của tổng thống về dầu kiểu này sẽ đặc biệt gây tổn hại đến uy tín của quân đội Mỹ ở trong và ngoài nước.

Ông Edelman, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Bush, cho biết ông rất lo ngại về việc làm sao cơ quan này có thể ngăn chặn sự sụt giảm lòng tin của công chúng dưới thời Trump.

Căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq kéo còi báo động trước khi bị tấn công Vdeo mới đăng trên Twitter cho thấy cảnh căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq réo còi báo động để binh sĩ chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công từ Iran.

Quân đội Iran mạnh cỡ nào?

Quân đội Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông, cùng lực lượng Quds tinh nhuệ có mạng lưới rộng khắp khu vực và công nghệ máy bay không người lái tinh vi.

Nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích cách chính quyền Trump báo cáo vụ Iran

Ông Mike Lee, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Utah, rất không hài lòng với cách các quan chức chính quyền Trump báo cáo quốc hội Mỹ về cuộc khủng hoảng với Iran.

Sơn Trần

theo Politico

Bạn có thể quan tâm