Tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trên mạng Internet chứa thông tin liên quan tới gần như mọi ngóc ngách của bộ máy tình báo Mỹ. Các tài liệu này miêu tả hoạt động của Cục Tình báo liên bang (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quân đội (DIA) hay Cơ quan Thám sát Quốc gia (NRO).
Sau khi phát hiện các tài liệu trôi nổi trên Internet, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải có các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế thiệt hại, trong đó có dừng chia sẻ thông tin tình báo ngay cả với các đồng minh thân cận nhất, theo Washington Post.
Có gì trong các tài liệu mật?
Các tài liệu mật bị phát tán chủ yếu liên quan tới chiến sự tại Ukraine, nó cho thấy cách Washington đánh giá tình hình và triển vọng cuộc chiến. Phân tích tình báo giúp định hình các quyết sách của Washington, bao gồm loại vũ khí sẽ cung cấp cho Ukraine và cách phản ứng với các chiến lược quân sự của Moscow.
Ví dụ tài liệu ngày 23/2 về giao tranh tại Donbas dự đoán "chiến dịch tiêu hao lớn" của Nga "nhiều khả năng sẽ rơi vào bế tắc", khiến Moscow khó có thể kiểm soát toàn bộ khu vực trong năm 2023.
Nhận định này được xây dựng dựa trên thông tin về tốc độ bắn pháo của Nga, số binh sĩ thiệt hại, năng lực quân sự giành quyền kiểm soát lãnh thổ trong 7 tháng trước đó. Thông tin được thu thập nhờ ảnh vệ tinh hồng ngoại thế hệ mới, vệ tinh thương mại và tin tức tình báo từ chính phủ một nước thân thiện.
Phần lớn tài liệu mật bị rò rỉ là về diễn biến chiến sự ở Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Việc tình báo Mỹ dựa vào nhiều nguồn thông tin không có gì bí mật. Tuy nhiên, việc quá nhiều chi tiết bị rò rỉ có thể giúp các đối thủ của Mỹ ngăn chặn hoạt động thu thập thông tin.
Ví dụ tài liệu ngày 23/2 chỉ ra một trong các nguồn dữ liệu đến từ "video LAPIS". Đây là vệ tinh tiên tiến cho phép thu được ảnh mặt đất chất lượng cao hơn, nhưng giờ các vệ tinh này có nguy cơ bị Nga gây nhiễu hoặc can thiệp. LAPIS là một trong số các vũ khí tình báo được Mỹ bảo vệ chặt chẽ.
Các tài liệu cũng hé lộ sự xâm nhập của tình báo Mỹ vào hàng ngũ quân sự Nga đủ để thu được những thông tin giúp cảnh báo Ukraine trước về các cuộc tấn công, cũng như đánh giá đáng tin cậy về điểm mạnh, điểm yếu của quân đội Nga.
Một trang tài liệu rò rỉ cho thấy tình báo Mỹ biết Bộ Quốc phòng Nga chuyển kế hoạch tấn công các vị trí quân đội Ukraine trong một ngày tháng 2, sau đó các quân đội Nga lên kế hoạch tấn công các cơ sở năng lượng, cầu đường của Ukraine.
Tình báo Mỹ cũng biết về các kế hoạch tuyên truyền của Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU). Tài liệu cho thấy GRU lên kế hoạch reo rắc thông tin trên các phương tiện truyền thông châu Phi nhằm khiến cử tri châu Phi chống lại những nhà lãnh đạo ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời làm mất uy tín của Mỹ, Pháp và Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Các tài liệu cho thấy Mỹ đã biết tổ chức đánh thuê Wagner đang tìm cách mua vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tháng 2, đại diện Wagner liên hệ với đầu mối ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mua vũ khí phục vụ hoạt động của tổ chức này tại Mali và Ukraine. Tài liệu cho biết Tổng thống Mali Assimi Goita "đã cam kết Mali sẽ thay mặt Wagner mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ".
Tin tức này thu được nhờ nghe lén và chặn các liên lạc qua thiết bị điện tử. Giới tình báo coi đây là phương thức thu thập thông tin hiệu quả nhất, nhưng rất dễ bị ngăn chặn khi cách thức thu thập bị phát hiện.
Các tài liệu rò rỉ cũng hé lộ diễn biến địa chính trị quanh cuộc chiến tại Ukraine. Một bản phân tích tóm tắt của CIA cho rằng Bắc Kinh coi các vụ tấn công của Ukraine trong lãnh thổ Nga là cơ hội để biến NATO trở thành "kẻ xấu". Tài liệu nhận định Trung Quốc có thể gia tăng hỗ trợ Nga nếu các vụ tấn công đủ nghiêm trọng.
Tài liệu rò rỉ cho thấy Washington theo dõi chặt chẽ tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran. Tài liệu tháng 2 cho rằng Iran đang thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cũng như mở rộng các cơ sở làm giàu uranium.
Trong số tài liệu rò rỉ có báo cáo nghe lén việc Hàn Quốc thảo luận nội bộ khả năng Seoul cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Các cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc đề nghị bán đạn pháo cho Ba Lan, sau đó Warsaw sẽ chuyển giao đạn pháo cho quân đội Ukraine.
Lầu Năm Góc hoảng loạn
Các tài liệu bị phát tán một phần đến từ Lầu Năm Góc được đánh dấu tuyệt mật. Chúng dường như là tài liệu được chuẩn bị hồi đầu năm dành cho Tổng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley và các quan chức cấp cao khác của quân đội. Tuy nhiên, một số cá nhân khác cũng có quyền tiếp cận những tài liệu này.
Theo Washington Post, Mỹ và các đồng minh đang vật lộn tìm câu trả lời vì sao các tài liệu tuyệt mật lại có thể bị phát tán trên Internet và phải sau hơn một tháng chúng mới bị phát hiện.
Quan chức nhiều quốc gia cho biết đang đánh giá thiệt hại mà vụ rò rỉ gây ra. Các tài liệu được chia sẻ trên Discord trong các ngày 28/2 và 2/3, nhưng chỉ mới được Lầu Năm Góc chú ý sau khi New York Times lần đầu đưa tin hôm 6/4.
Lầu Năm Góc đã siết chặt việc chia sẻ tin tức tình báo. Ảnh: Washington Post. |
Lầu Năm Góc ngày 7/4 yêu cầu siết chặt kiểm soát việc chia sẻ thông tin tình báo. Một quan chức cho biết đây là hành động hiếm thấy, cho thấy Lầu Năm Góc đang hoảng loạn.
Một quan chức tình báo châu Âu cho biết việc Washington hạn chế chia sẻ thông tin tình báo có thể khiến các đồng minh "mù" tin tức.
Một số tài liệu rò rỉ được dán nhãn "NOFORN", tức không chia sẻ cho nước ngoài. Tuy nhiên các đồng minh thuộc nhóm Ngũ Nhãn, gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, có thể tiếp cận số tài liệu này. Điều này đồng nghĩa rò rỉ có thể không chỉ đến từ bên trong nội bộ tình báo Mỹ.
"Chúng ta cần xử lý vấn đề này khéo léo cả trong nội bộ lẫn với các đồng minh. Có rất nhiều cơ quan liên quan", một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Hiện chưa rõ quy mô của toàn bộ vụ rò rỉ tài liệu. Một quan chức Mỹ cho rằng những gì được đăng tải trên mạng có khả năng chỉ là một phần của những tài liệu bị rò rỉ. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều vụ phát tán các tài liệu tình báo mật.
Theo Washington Post, có dấu hiệu cho thấy những ảnh chụp tài liệu ban đầu được phát tán trên Discord đã bị chỉnh sửa. Hôm 5/4, ảnh chụp các tài liệu mật đã được lưu truyền trên ít nhất hai mạng xã hội lớn là Telegram và Twitter.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.