Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Laporta lừa dối hay hết cách giữ chân Messi?

Không phải ai cũng tin Joan Laporta đã nỗ lực làm tất cả để có thể giữ chân biểu tượng quan trọng trong lịch sử Barca.

Laporta anh 1

Việc Lionel Messi chia tay Barca khiến nội bộ của đội bóng xứ Catalonia chia rẽ. Ban đầu những chỉ trích hướng vào cựu Chủ tịch Barca, Josep Bartomeu và Chủ tịch La Liga, Javier Tebas.

Nhưng ngay cả những thành viên thân tín trong đội ngũ lãnh đạo của Barca đã bắt đầu nghi ngờ Laporta, Chủ tịch hiện tại của CLB.

Lá thư từ chức

Người có những động thái đầu tiên nghi ngờ Laporta chính là Jaume Llopis, một thành viên quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo của Laporta.

Vài giờ sau khi Messi lái xe rời trụ sở Barca, Llopis nộp đơn từ chức kèm theo bức thư giải thích nguyên nhân.

"Laporta, ông khiến tôi thất vọng. Cảm ơn vì đã tin tưởng nhưng tôi buộc phải từ chức để bày tỏ quan điểm của mình", Llopis viết trong bức thư được Sport đăng tải. "Lịch sử sẽ nhớ ông với tư cách người để mất Messi".

Llopis không phải nhân vật bình thường trong đội ngũ điều hành Barca. Llopis dự tính được Laporta bổ nhiệm ngồi vào ghế Giám đốc Điều hành đội bóng. Nhưng sau sự chia tay của Messi, Llopis trở thành người công kích Laporta mạnh mẽ nhất trên truyền thông.

Llopis nói trong lúc các cổ động viên Barca đang khóc, thì Laporta đang đi dùng bữa với Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez. "Hãy nghe lại bài phát biểu của Leo, anh ấy nói rằng họ (ban lãnh đạo Barca - PV), đã không làm tất cả để cầu thủ ở lại", Llopis nói. "Tôi đã là thành viên của CLB này 66 năm, và tôi không lạ gì cách nó vận hành".

Laporta anh 2

Laporta bị nghi ngờ cố tình để Messi ra đi. Ảnh: Reuters.

Llopis khẳng định ông và nhiều thành viên Barca muốn biết được sự thật, về chuyện gì đã xảy ra trong cuộc thương thảo hợp đồng giữa Laporta và Messi.

Cái cách Chủ tịch Barca đi ăn tối với Perez chỉ vài giờ sau khi trang chủ CLB thông báo chia tay Messi cũng gây điều tiếng.

Sport dẫn lời nhiều hội viên của Barca nghi ngờ Laporta đã không nỗ lực làm tất cả để giữ chân Messi ở lại. Dù La Liga sẽ khởi tranh vào ngày 13/8, hạn cuối cùng để các CLB đăng ký cầu thủ thi đấu mùa giải mới là ngày 2/9. Barca còn hơn 3 tuần để giải quyết mọi thứ.

El Mundo dẫn lời một thành viên ban lãnh đạo Barca, tố Laporta nói dối. "Ông ấy có thể đã lên kế hoạch cho sự ra đi của Messi hàng tháng trước", thành viên này nói. "Ông ấy chỉ nói Messi ở lại cho đến khi ngồi thành công vào ghế chủ tịch đội bóng".

El Confidencial bình luận quan điểm của Llopis khiến người ta phải suy ngẫm. Trong ngày chia tay, Messi nói anh đã đồng ý giảm 50% lương, và ban lãnh đạo Barca sau đó không nói gì thêm với Leo. Họ không yêu cầu anh phải giảm thêm lương hay thông báo cụ thể về tình hình.

Chỉ đến khi Messi chuẩn bị đến Camp Nou ký hợp đồng mới, anh mới biết mọi thứ đã đổ bể.

Chủ tịch La Liga, Tebas là người ban đầu bị chỉ trích vì cứng rắn trong việc áp dụng Luật Công bằng Tài chính (FFP) của La Liga lên Barca, khiến họ không thể đăng ký Messi.

Tuy nhiên, Jaume Roures, người sáng lập tập đoàn truyền thông Mediapro và cũng là một hội viên của Barca nghĩ khác. Ông tiết lộ La Liga đã đồng ý để Barca đăng ký Messi từ đầu tháng này, trước khi CLB tuyên bố không thể giữ chân Leo vì tình hình tài chính.

Laporta anh 3

Laporta đi ăn cùng Perez và Chủ tịch Juventus, Agnelli không lâu sau khi Barca thông báo Messi rời đi. Ảnh: Reuters.

Cuộc đấu quyền lực

Sau khi Messi rời đi, Tebas thừa nhận Barca có thể đăng ký cầu thủ nếu họ đồng ý ký vào thỏa thuận bán 10% cổ phần La Liga cho quỹ đầu tư CVC Capital Partners.

La Liga tự tin nếu Barca chấp thuận bản hợp đồng trên, họ sẽ nhận gói hỗ trợ trị giá hơn 250 triệu euro và đủ khả năng giữ chân Messi.

Cho tới thời điểm này, chỉ Real và Barca là 2 trong số 40 CLB thuộc La Liga công khai phản đối thỏa thuận với CVC.

"CLB Barcelona tin rằng kế hoạch bán cổ phần cho CVC không phù hợp với tầm nhìn và sự phát triển của đội bóng cũng như giải đấu trong tương lai", thông báo trên trang chủ Barca có đoạn viết.

Marca tiết lộ sau bữa ăn giữa Laporta, Perez và Andrea Agnelli ở Barcelona, Chủ tịch Juventus đã cảnh báo về rủi ro của thỏa thuận giữa CVC và La Liga. Agnelli nói đó là khoản tiền "bánh mì cho hôm nay nhưng khiến bạn đói vào ngày mai".

El Pais phân tích có thể La Liga đang muốn dập tắt tham vọng Super League của Real và Barca bằng việc ký hợp đồng với CVC.

"Tại sao họ lại đi ăn cùng nhau trong ngày Barca ra thông báo chia tay Messi?", El Pais đặt dấu hỏi. Llopis nói bữa ăn đó mang đến một hình ảnh xấu xí trong mắt các CĐV Barca.

Tebas sau đó viết lên trang cá nhân, phản bác quan điểm của Barca và Real: "Xin chào Laporta, ông thừa hiểu CVC không đòi Barca phải chia tiền bản quyền truyền hình trong 50 năm. Những gì họ làm là để giúp các đội bóng có giá trị hơn. Từ đó, các CLB có thể thực hiện những khoản vay thế chấp để giải quyết các món nợ".

Người điều hành La Liga khẳng định ông và Laporta đã có bữa ăn tối vào ngày 14/7. Trong buổi gặp mặt đó, Laporta đồng ý thỏa thuận với CVC và khẳng định hợp đồng của Messi sẽ được gửi đến La Liga.

Marca cho biết các thỏa thuận chặt chẽ trong hợp đồng có thời hạn tới 50 năm với CVC sẽ ngăn cản bất kỳ một CLB nào đứng ra lập giải đấu riêng. Số tiền hơn 250 triệu euro mà Barca nhận nếu đồng ý ký vào thỏa thuận với CVC chẳng thấm vào đâu so với khoản thu nhập mà Super League mang lại.

"Đã không có cái ôm thắm thiết nào giữa Messi và Laporta trong ngày chia tay", El Pais viết. "Trước buổi họp báo của Messi, hành động tiếp xúc duy nhất giữa Messi và Laporta chỉ là một cái bắt tay nguội lạnh".

Đang có một cuộc chiến quyền lực giữa Perez, Laporta với Tebas. Một tháng qua, giấc mơ Super League của Real và Barca đã nhen nhóm trở lại.

Phán quyết ra ngày 30/7 của Tòa án Thương mại số 17 Madrid (CIMA) giúp các nhà lãnh đạo hay cầu thủ ủng hộ dự án Super League giảm đáng kể khả năng bị Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) trừng phạt.

Tất nhiên, Laporta cũng nhận nhiều sự cảm thông. Mundo Deportivo phân tích nỗ lực giảm hơn 40% quỹ lương, tương đương mức 200 triệu euro để Barca không vi phạm FFP là không tưởng.

Quỹ lương của CLB khi không có Messi đã vượt 110% so với tổng doanh thu. Không ký hợp đồng với Messi, con số đó giảm xuống còn 95%. Barca phải đạt mốc 70% lương trên tổng doanh thu trước thời hạn đăng ký cầu thủ cuối cùng của La Liga.

Ngay cả Sergio Aguero, Eric Garcia hay Memphis Depay cũng chưa được đăng ký vào danh sách thi đấu tại La Liga.

Rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp sau sự rời đi của Messi. Áp lực cho Laporta trong thời gian tới sẽ không hề nhỏ.

Laporta từng coi Messi là quân cờ quan trọng trong cuộc đua vào ghế Chủ tịch Barca. Ông đã thất bại trong lời hứa quan trọng với cổ động viên. Và tốt nhất là vị luật sư 59 tuổi nên hồi sinh Barca một cách nhanh chóng.

Messi lên đường gia nhập PSG Chiều 10/8, Lionel Messi đến sân bay El Prat tại Barcelona, lên đường sang Paris để hoàn tất việc gia nhập đội bóng thủ đô nước Pháp.

Ligue 1 có thể sẽ sửa luật vì Messi

Messi nhiều khả năng sẽ chọn áo số 30 khi đầu quân cho PSG từ mùa giải tới.

Messi rời đi nhưng Barca phải bước tiếp

Huyền thoại Johan Cruyff từng nói một câu nổi tiếng: "Trong mỗi bất lợi luôn có những thuận lợi". Giờ là lúc Barca học theo câu nói của "vị thánh" trong lịch sử CLB.

Barca khủng hoảng hàng công

Sau khi Lionel Messi ra đi, đội chủ sân Camp Nou gấp rút chiêu mộ thêm tiền đạo để tăng cường chiều sâu cho hàng công.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm