Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông báo kết luận về buổi làm việc liên quan đến tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.
Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông cơ bản hoàn thành tất cả 5 công trình thành phần; vận hành thử kỹ thuật một số thiết bị chạy tàu. Các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công, tiến hành các thử nghiệm, đánh giá an toàn hệ thống.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ hơn 1 thập kỷ. Ảnh: Việt Linh. |
Về phía Hà Nội, thành phố đã hoàn thành tất cả 9 nội dung về chuẩn bị điều kiện tiếp nhận, đưa vào vận hành tuyến ngay khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá, kết luận chất lượng công trình đủ điều kiện theo quy định.
Hiện, các bên khẩn trương đào tạo nhân sự, vận hành chạy thử, kết nối hạ tầng giao thông... Tuy nhiên, Bộ GTVT và Tổng thầu của dự án vẫn chưa thống nhất một số vấn đề kỹ thuật, đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao.
Trong đó có vướng mắc việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước về yêu cầu giảm trừ thanh toán, hoàn tất thủ tục liên quan,… nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến liên tục chậm so với cam kết.
Để giải quyết các vướng mắc trên, Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ GTVT thống nhất thành lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng của dự án.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đưa ra giải pháp tháo gỡ toàn bộ các vấn đề còn vướng mắc của dự án theo quy định hiện hành, qua đó đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, giải quyết, thống nhất thông tin khi thực hiện đàm phán với nhà thầu.
Riêng về công tác đánh giá an toàn, chạy thử, nghiệm thu và bàn giao, 2 bên thống nhất đảm bảo không ảnh hưởng tới chất lượng công trình, an toàn chạy tàu và biện pháp khắc phục trong thời gian bảo hành.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống và Giấy chứng nhận tạm thời của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao có điều kiện để đưa vào khai thác trong trường hợp đảm bảo chất lượng, an toàn, đồng thời các bên hoàn tất thủ tục, hồ sơ bàn giao chính thức dự án theo quy định pháp luật.
Hai bên cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở báo cáo cung cấp và giải trình của Bộ GTVT, rà soát lại kết luận kiểm toán để xem xét, điều chỉnh đối với nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Tổ công tác báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo về các nội dung giảm trừ thanh toán, tránh nguy cơ xảy ra tranh chấp hợp đồng, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Hai bên cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao hướng dẫn, xem xét đưa chuyên gia Trung Quốc của dự án sang Việt Nam làm việc trong tình hình phòng chống dịch Ccovid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD là vốn đối ứng Việt Nam.
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu.