Tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ kéo dài dẫn đến việc gần 300 người (chiếm khoảng 28% nhân công) nghỉ việc. Nói về vấn đề này, đơn vị khai thác dự án là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết đến nay, đơn vị đã tuyển bổ sung đầy đủ. Số này sẵn sàng tham gia vận hành khi tuyến đi vào khai thác.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường nói hầu hết công nhân nghỉ việc là lao động phổ thông, phụ trách công việc đơn giản. Số lao động trình độ kỹ thuật cao được cử đi đào tạo ở nước ngoài vẫn làm việc và đảm nhiệm các vai trò trong vận hành dự án.
Theo ông Vũ Hồng Trường, các nhân sự lái tàu vẫn giữ được số lượng như ban đầu. Ảnh: Việt Linh. |
"Việc nghỉ này rải rác từ năm 2015 đến 2019, chứ không phải họ nghỉ một lượt cả mấy trăm người. Hiện, chúng tôi đã hoàn thành tuyển bổ sung các vị trí này. Những nhân sự cao cấp, nhân sự kỹ thuật chuyên sâu, chuyên ngành, đội ngũ lái tàu vẫn giữ được số lượng như ban đầu", ông Trường cho biết.
Việc công nhân nghỉ việc rải rác đã gây khó khăn nhất định trong quá trình chuẩn bị đưa tuyến vào vận hành. Nhưng do thời gian chờ đợi quá lâu, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng hiểu tâm tư của người lao động.
Ông Trường cũng cho biết thêm các nhân sự bổ sung nhân sự thay thế đều được đào tạo lý thuyết và thực hành bởi chuyên gia Trung Quốc. Những nhân sự qua sát hạch được đưa vào vận hành thử toàn hệ thống. Trường hợp nào chưa đạt sẽ tiếp tục đào tạo.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án khởi công tháng 10/2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, dự án sau đó liên tiếp lỡ hẹn và lùi tiến độ. Tổng mức đầu tư sau đó cũng được điều chỉnh lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng) nhưng tiến độ lùi đến cuối năm 2018 vẫn chưa thể hoàn thành.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được đưa vào vận hành.