Trao đổi với Zing.vn, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (thuộc Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc), cho biết dự án đã hoàn thành 100% hạng mục, đủ điều kiện để bàn giao trước ngày 31/12.
Hệ thống đang chạy thử toàn tuyến lần cuối để bàn giao dù phía chủ đầu tư là Bộ GTVT đang yêu cầu tổng thầu cung cấp đầy đủ hồ sơ để đơn vị tư vấn đánh giá an toàn.
"Khó đánh giá theo chuẩn châu Âu"
Phía tổng thầu cho biết từ tháng 4, dự án đã hoàn thành 100% khối lượng. Công việc chính còn lại là nghiệm thu, bàn giao và thanh toán. Tuy nhiên, tiến độ nghiệm thu phải phụ thuộc vào ban quản lý dự án.
Về việc chủ đầu tư là Bộ GTVT chưa đồng ý cho chạy thử tích hợp vì thiếu hồ sơ cung cấp cho đơn vị tư vấn đánh giá an toàn, ông Đường Hồng khẳng định đến nay đã cung cấp đủ hồ sơ và doanh nghiệp không thể cung cấp thêm các hồ sơ theo yêu cầu của đơn vị đánh giá an toàn hệ thống của Pháp là Công ty ACT.
"Chúng tôi không thể cung cấp những hồ sơ đó vì tư vấn ACT áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu, còn dự án của chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc. Theo tiêu chuẩn của chúng tôi thì không cần có những hồ sơ đó", ông Đường nói.
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã trải qua quá trình chạy thử hơn 1 năm nhưng vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Ảnh: Việt Linh. |
Phía tổng thầu cho rằng Công ty ACT lẽ ra phải tham gia ngay từ giai đoạn đầu của dự án. "Mãi đến năm 2016 chúng tôi mới biết có bên thứ 3 tham gia. Thời điểm đó đã hoàn thành việc đưa các thiết bị về công trường rồi."
Khi phóng viên hỏi trong trường hợp ACT yêu cầu chuẩn châu Âu nhưng tổng thầu ko đáp ứng được thì giải quyết thế nào, đại diện tổng thầu cho rằng họ không có quan hệ hợp đồng với tư vấn ACT, đó là việc giữa ACT và Bộ GTVT.
Còn chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT thời gian gần đây thường xuyên nhắc đến trách nhiệm của Tổng thầu EPC trong việc để dự án chậm trễ. Bộ cho rằng tổng thầu chưa cung cấp đủ các hồ sơ xây dựng cho Công ty ACT - đơn vị được Bộ GTVT thuê để đánh giá an toàn hệ thống.
Đến nay, ACT mới đánh giá và cho ra được 6/14 báo cáo. Họ yêu cầu Tổng thầu phải cung cấp tiếp để hoàn tất đánh giá.
Đủ điều kiện bàn giao sau 25 ngày?
Về tiến độ bàn giao dự án, bà Mạnh Thu Tuyền, Phụ trách đào tạo nhân sự vận hành thuộc tổng thầu EPC, cho biết nhân viên metro người Việt đều đã nắm chắc các kỹ năng cần thiết, đáp ứng các tiêu chuẩn để vận hành hệ thống.
Bắt đầu từ ngày 28/10, tổng thầu sẽ chạy thử toàn tuyến lần cuối trong vòng 25 ngày (5 ngày chuẩn bị và 20 ngày chạy thử tích hợp). Mục đích của việc chạy tích hợp 20 ngày là để chứng minh độ an toàn và hoàn chỉnh của hệ thống, đồng thời kiểm chứng được năng lực của đội ngũ vận hành. Đây là bước bắt buộc và cũng là nội dung chính trong quy trình nghiệm thu.
Theo tổng thầu, trước đây cũng đã có vận hành thử nhưng có sự hỗ trợ của chuyên gia ở Thâm Quyến, nhân viên người Việt chưa tự điều hành một cách độc lập. Ảnh: Việt Linh. |
Trong khi tổng thầu và nhân viên của Hanoi Metro rục rịch chuẩn bị cho việc chạy thử tích hợp, Bộ GTVT và ban quản lý dự án đường sắt lại chưa xác nhận kế hoạch này. Tổng thầu cho biết đã có văn bản gửi ban quản lý dự án yêu cầu sắp xếp nhân sự đến theo dõi quá trình chạy tích hợp nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Trao đổi với Zing.vn tối 28/10, đại diện ban quản lý dự án Đường sắt xác nhận việc tổng thầu xin chạy tích hợp 20 ngày. Ban quản lý chưa phê duyệt cho chạy thử mà mới chỉ yêu cầu tổng thầu phải chuẩn bị kỹ, báo cáo lại chủ đầu tư trước khi tiến hành.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trước đó khẳng định tổng thầu phải cung cấp đầy đủ hồ sơ cho tư vấn ACT thì bộ mới phê duyệt cho chạy thử tích hợp. Đánh giá ban đầu của ACT cho thấy tổng thầu chưa cung cấp được các chứng từ chỉ mức độ an toàn của đoàn tàu và các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất. Ngoài ra, tổng thầu chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn về hồ sơ, điện, phanh hãm.
Về chứng nhận an toàn hệ thống, đơn vị tư vấn cho biết chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng do đoàn tàu chưa được đánh giá an toàn và một số khiếm khuyết của hệ thống tín hiệu điều khiển, quản lý an toàn vận hành. Đồng thời, tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn….
Tuy nhiên, đại diện tổng thầu cho biết trong trường hợp Bộ GTVT không chấp nhận, việc chạy thử tích hợp vẫn được tiến hành và tất cả tài liệu, hồ sơ trong quá trình này sẽ được lưu lại để bàn giao cho Bộ GTVT.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008. Tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.
Dự án bắt đầu chạy thử vào ngày 20/9/2018, với hứa hẹn sau 3-6 tháng sẽ vận hành chính thức. Sang năm 2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết công trình sẽ vận hành thương mại trong tháng 4 nhưng thời hạn này đã bị phá vỡ.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc chậm trễ do tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ của các thiết bị đã lắp đặt, chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng để xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống.
Sau gần 10 năm thi công, cử tri Hà Nội cho rằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã không thành công, đội vốn, còn ngày vận hành vẫn chưa biết đến bao giờ.