Trong căn nhà nhỏ dưới tán rừng phi lao cao vút, bạt ngàn, cụ Nguyễn Lán trú thôn Hội Thành 2, xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) miệt mài sửa tấm lưới cho cậu con trai út chuẩn bị cho chuyến biển mới. Đã 90 tuổi nhưng đôi tay cụ vẫn còn thoăn thoắt trong từng đường khâu mũi chỉ dù tấm lưới đã ngã màu nước biển.
Nhớ lại những ngày đầu xây dựng rừng phi lao ngút ngàn, bao trùm mấy trăm nóc nhà dọc cửa biển Xuân Hội như bây giờ, cụ kể, hơn 30 năm trước, khi xuất ngũ trở về, cụ tham gia vào hợp tác xã ngư nghiệp để nối nghề đi biển của ông cha.
90 tuổi nhưng đôi tay cụ vẫn còn thoăn thoắt trong từng đường khâu mũi chỉ. Ảnh: Phạm Trường.
|
Vùng đất Xuân Hội ngày ấy liên miên chịu những trận bão lớn nên tuyến đê vùng cửa biển bị vỡ nhiều đoạn, sóng biển ầm ầm kéo vào cuốn trôi nhiều nhà cửa, đất đai. Nhiều gia đình ở thôn Hội Thành 2 cũng vì thế bỏ quê, tìm nơi khác cắm dùi sinh sống. Cả làng lúc ấy không có người ra khơi đánh cá, hợp tác xã ngư nghiệp cũng dần giải thể.
Nhìn xóm làng, vùng đê biển tan hoang, cụ nghĩ thầm nếu không có đê hay rừng phòng hộ chắn sóng thì chẳng bao lâu những ngôi nhà còn lại ở thôn này cũng dần bị sóng biển cuốn trôi.
“Lúc đó cũng nghĩ đủ cách để đê biển an toàn, nhưng tiền đâu mà làm đê, chỉ có trồng cây gây rừng rồi dần dần may chi mới đỡ bị sóng cuốn. Rồi tôi nói với vợ rời làng ra dựng lều nơi cửa biển để trồng phi lao”, cụ Lán nói.
Thấy cụ làm, nhiều người cho cụ là lão gàn, rảnh việc mà đi trồng trên cát những thứ cây ấy. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, cụ lặng lẽ trồng cây, mỗi ngày trồng một ít, đến nay đã hơn 30 năm, rừng phi lao hàng chục nghìn cây do cụ trồng đã rộng gần 20 hecta, chạy dài hơn 2 km dọc con đê biển Xuân Hội. Phi lao cao vút, chạy ngút tầm mắt cứ thế lớn dần, ôm trọn mấy chục nóc nhà của người dân chài nơi đây bấy lâu nay.
Rừng phi lao cụ Lán trồng giờ đã to lớn, cao vút. Ảnh: Phạm Trường.
|
Vác chiếc thuổng quen thuộc trên vai đi dưới tán cây rừng cao vút, cụ Lán cho hay để trồng được cây xuống cát, cho nó sống đã khó, nhưng khó hơn là giữ cho cây không bị kẻ xấu chặt trộm. Để giữ rừng, ban ngày cụ đi biển đánh cá, tối về ra chòi canh giữ rặng phi lao. Cũng vì giữ rặng phi lao mình trồng mà cụ bị kẻ xấu đánh gãy 7 chiếc răng, đứt ngón tay út.
“Rừng là đê bao, là tấm áo che sóng gió, mưa bão cho làng. Muốn giữ được làng phải giữ được rừng. Còn rừng là còn làng, rừng mất đi làng sẽ không còn tồn tại”, cụ ông nói.
Nhiều người gặp nạn trên biển được cụ cứu sống xin nhận cụ làm bố nuôi để đáp trả công ơn cứu vớt. Ảnh: Phạm Trường.
|
Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm dưới tán rừng phi lao này trước đây cũng từng là nơi trú ngụ của hàng chục ngư dân làng chài xóm Hội Thành ra ở để xin cùng đi biển với cụ Lán. Trên vùng cửa biển Xuân Hội, nhiều người bị đuối nước cũng được cụ còn ra tay cứu vớt. Để tỏ lòng biết ơn, nhiều người trong số họ đã xin nhận cụ làm bố để được phụng dưỡng tuổi già.
Ông Trần Sông Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, cho biết rặng phi lao của cụ Lán đã chắn sóng, chống xâm thực đất liền suốt gần 30 năm qua. Không chỉ người dân làng Hội Thành 2 mà cả xã Xuân Hội đều biết ơn việc làm của cụ khi đã xây dựng thành lũy sống bảo vệ người dân nơi đây bao năm qua.
"Cụ trồng phi lao bảo vệ làng, bươn sức cứu vớt người gặp nạn. Cả làng cả xã nhỏ đến lớn ai ai cũng biết ơn và mong cho cụ có sức khỏe", ông Hương nói.