Những ngày cuối năm ở bến xe Vientiane (Lào) luôn tấp nập người Việt đón xe về quê ăn Tết. Có đến hàng chục chuyến xe chạy tuyến Vientiane về Việt Nam.
Ông Phan Văn Thắng (47 tuổi, quê Nghệ An) nói: “Làm thuê ở Lào được hơn 8 năm. Năm nào về quê ăn Tết cũng hết sức khổ vì xe nhồi nhét. Giá vé xe ngày Tết bị các nhà xe tăng gần gấp đôi so với ngày thường”.
“Cải tiến” xe để nhồi nhét
17h ngày 30/1, chúng tôi chia nhau theo nhóm lao động Việt ra bến xe Vientiane. Thấy chúng tôi vào bến, các nhà xe Việt cho người chạy đến lôi kéo, nói: “Anh về Hà Tĩnh hay Nghệ An, xe em còn giường nằm. Xe về Huế, Đà Nẵng rảnh ghế lắm anh ơi...”.
Thế nhưng lên xe khách UN-67... của nhà xe Hùng Hoa, chúng tôi thấy không còn một giường nằm nào, hành lang đã có một số hành khách ngồi tựa vào nhau.
Một số người hỏi ghế nằm, lái xe trả lời: “Tự mà tìm ghế đi...”. Vì mong sớm được về quê, một số người đành để lơ xe đẩy xuống tận cuối xe đã chật ních người.
Hành khách trên xe UN-45... từ Lào về, bị nhồi nhét phải ngồi trên lối đi. |
Những chỗ trống trên chiếc xe này đều được tận dụng để nhà xe nhồi nhét khách. Ngoài hai hành lang giữa hai dãy giường nằm và phía cuối xe được tận dụng nhồi khách, tầng hai từ dãy giường thứ ba về sau được nhà xe “cải tiến” khi kết nối ba dãy giường lại như một “cái bè” để khách nằm, những người nằm dưới giống như đang ở trong hầm ngột ngạt, nghẹt thở.
19h, sau khi chất hàng hóa, hành lý đầy lên nóc, gầm xe, nhà xe Cường Tuyết bắt đầu mở cửa xe UN-45... và UN-96... cho hành khách lên. Lúc này, hành khách nhốn nháo, chen lấn lên xe.
Chưa được 5 phút sau, hai chiếc xe này không còn một chỗ trống. Nhiều người không có giường nằm đã la ó thì được phụ xe xuê xoa: “Ngày Tết mong mọi người thông cảm, chịu khó nằm ở hai lối hành lang...”.
Tuy đã tận dụng hết chỗ trống trên xe để nhồi nhét khách, nhưng xe khách UN-45... xuất bến được hơn 10 km vẫn đón thêm 10 hành khách nữa là thợ xây quê ở Nghệ An. Không còn chỗ ngồi, nhóm người này đành ngồi tựa vào nhau ở hai lối hành lang.
Không chịu nổi cảnh nhồi nhét, nóng nực, không duỗi được chân, anh Tuấn (quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An) bức xúc: “Đến khổ khi đi xe về quê, tình trạng này lâu rồi mà không cơ quan nào xử lý, nhắc nhở...”. Xe này có hơn 40 giường nằm nhưng nhà xe nhồi nhét hơn 70 người.
Kiểm tra nhưng không phạt
6h sáng 31/1, người Việt ùn ứ ở cửa khẩu quốc tế Nam Pao (Lào) để làm thủ tục về quê ăn Tết. Ngoài những chiếc xe nhồi nhét mà chúng tôi ghi nhận, tại cửa khẩu Nam Pao nhiều người cho biết hầu như xe khách nào từ Lào về Việt Nam đều có hiện tượng nhồi nhét.
Lúc qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), hai chiếc xe của nhà xe Cường Tuyết bắt đầu phân khách ra hai tuyến để trả là Cầu Treo - TP Vinh và Cầu Treo - Thanh Chương. Số hành khách đi xe theo tuyến Cầu Treo - TP Vinh vì thêm người nên đứng ngồi chật như nêm.
Gần 13h ngày 31/1, chiếc xe khách UN-67... đến xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thì bị CSGT ra hiệu dừng lại.
Ngồi trên xe quan sát, chúng tôi thấy một CSGT sau khi cầm giấy tờ xe đã lên xe ngó nghiêng xong rồi xuống mà không có ý kiến gì, trong khi hành khách chở vượt quá quy định được lơ xe “nhồi” hết ở phía sau xe.
Chiếc xe này vừa qua cầu Rong (Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được một đoạn thì lại bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Một CSGT chỉ kiểm tra giấy tờ, không lên xe kiểm tra số lượng hành khách và để xe tiếp tục chạy.
Hàng trăm người chen chúc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Nam Pao, Lào . |
Tương tự, chiếc xe nhồi nhét UN-45... của nhà xe Cường Tuyến mỗi lần chạy gần đến chốt CSGT, lơ xe yêu cầu hành khách ngồi chen lấn ở cuối xe.
Lúc xe khách này đi qua hai chốt CSGT nói trên, chúng tôi thấy chỉ bị kiểm tra giấy tờ xe, không thấy CSGT nào kiểm đếm số lượng hành khách ngồi ở phía sau.
Trung tá Nguyễn Quốc Bình, Đội trưởng đội CSGT đường 8, cho biết qua phản ảnh, ông đã kiểm tra lại sổ nhật ký của đội thì có anh em lên kiểm tra hai chiếc xe nói trên nhưng không phát hiện lỗi gì cả.
Còn trung tá Nguyễn Chiến Thắng - Đội trưởng đội CSGT phía Bắc - thừa nhận anh em trong đội có dừng hai xe khách này, vì xe nhiều nên không thể lên kiểm tra số lượng hành khách trên xe được!
Nghèo khó phải tha hương
Ngồi bên cạnh chúng tôi là Giang, 21 tuổi, quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Không chịu được sự nhồi nhét trên xe, Giang lúc đứng, lúc ngồi.
Giang tâm sự vì nhà nghèo, Giang sớm theo một số người ở trong làng sang Lào làm phụ hồ. Giang cho biết sang Lào làm thuê chưa được một năm.
Hỏi về chuyện tết, Giang nói: “Làm nghề phụ hồ không thu nhập mấy, nhưng em cũng cố dành dụm được ít về ăn tết để mua cho mẹ con bò nuôi cày bừa”.
Trong dòng người chen chúc làm thủ tục qua cửa khẩu Nam Pao, chúng tôi thấy một người đàn ông luống tuổi, khắc khổ cõng sau lưng một đứa bé 4 tuổi, đang ngóng về quê hương. Ông là Đậu Xuân Tháp (48 tuổi, ở xã Quỳnh Xuân, Nghệ An) sang Lào làm thuê gần 10 năm nay.
Ông Tháp cho biết ở quê ông nghèo khó quanh năm, thường hay mất mùa. Sau khi ông sang làm thuê ở Lào thì đến lượt vợ và đứa con đầu của ông theo bước chân ông.
Công việc của ông là phụ hồ, còn vợ đi nấu ăn cho người Việt làm thuê ở Lào. Tằn tiện gần chục năm làm ăn ở Lào, ông xây được căn nhà ở quê.
“Tết gần đến tôi lại nhớ nhà. Ở bên này đêm nào cũng sốt ruột về quê. Đến cửa khẩu tôi đã cảm nhận không khí vui xuân thật ấm áp, thân tình...” - ông Tháp chia sẻ.