Tại New Delhi, gần một tuần sau khi chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát dịch Covid-19, Chotu Kumar - một lao động nghèo sống ở Ahmedabad (bang Gujarat) - không còn gì để ăn.
Kumar sống và làm việc với 80 người khác, 5 đến 8 người ở chung một phòng. “Tôi làm việc cả ngày để kiếm tiền. Nếu không làm việc, tôi mua thức ăn thế nào?”, The Hindu dẫn lời Kumar than thở. Hôm 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra thông báo tuyên bố phong tỏa 1,3 tỷ người chỉ trong vỏn vẹn vài giờ.
Những lao động ngụ cư như Kumar không có thời gian để mua đồ đạc. Ngay cả khi có thời gian, họ cũng chẳng còn nhiều tiền. Cuối cùng, Kumar và các lao động ngụ cư bị mắc kẹt trong bang nhận được thức ăn từ tổ chức phi lợi nhuận ANHAD.
Người lao động nghèo ở Ấn Độ lâm vào cảnh khốn cùng vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Ăn cơm không chống đói
Các lao động tự do đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ. Hàng triệu người trên khắp đất nước làm việc trên những công trường, trang trại, nhà máy lớn nhỏ. Nhiều người phải sống ngay tại nơi làm việc.
Lệnh phong tỏa khiến hàng trăm nghìn công nhân trở thành người thất nghiệp và vô gia cư trong nháy mắt. Họ đành phải hồi hương. Không thuê được xe, họ buộc phải đi bộ hàng trăm km.
Shamsal, đến từ bang Bihar, là một trong số những người may mắn kịp về quê trước lệnh phong tỏa. Trước đó, anh chuyên nhận sửa nhà tại New Delhi. Khi dịch Covid-19 lan rộng, Shamsal ế khách và quyết về làng. “Có rất nhiều tin đồn về virus, tôi sợ hãi đến mức bỏ lại tất cả và trở về”, anh chia sẻ.
Ông chủ của Shamsal còn nợ anh ta 15.000 rupee (196 USD). Anh mất một khoản tiền để nuôi gia đình 8 thành viên của mình. Chính phủ Ấn Độ đã hứa cung cấp thực phẩm và vật tư y tế nhưng vẫn chưa thực hiện.
Lệnh phong tỏa khiến hàng trăm nghìn lao động Ấn Độ mất việc. Ảnh: CNN. |
Sau khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm, Shamsal sẽ quay lại thủ đô New Delhi. “Ở làng không có công việc, tôi sẽ kiếm tiền và chăm sóc gia đình bằng cách nào? Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài quay lại”, anh nói.
Trong 2 ngày qua, Kumar, người bị mắc kẹt ở Ahmedabad, phải ăn cơm không để chống đói. “Tôi có thể vượt qua được nhưng không biết vợ con tôi sống thế nào”, anh chia sẻ. Khi nói chuyện với vợ qua điện thoại, Kumar nói dối rằng anh đang ăn rất ngon và họ cũng nói tương tự.
“Tôi chỉ muốn về nhà và xem họ thực sự ra sao”, Kumar tuyệt vọng.
Tiêu hết tiền tiết kiệm
Vào ngày chính phủ Singapore tuyên bố đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu và cấm tụ tập đông người trong vòng một tháng, vlogger Ghib Ojisan đã ra ngoài quay video lần cuối cùng.
Trong video Singapore Semi-Lockdown Diary Day 0 được đăng tải trên kênh YouTube hôm 7/4, anh quay hàng dài người đứng xếp hàng tại các siêu thị, mỗi người đứng cách nhau 1 m. Ghib Ojisan, đến từ Osaka (Nhật Bản), sống nhờ vào doanh thu quảng cáo từ các video của mình.
Một tháng trước lệnh phong tỏa, thu nhập của anh đã sụt giảm 30-40%. Theo các biện pháp “ngắt mạch” tại Singapore, mọi người có thể tập thể dục ngoài trời một mình, toàn bộ không gian công cộng đều bị đóng cửa. Siêu thị và cửa hàng thực phẩm vẫn hoạt động nhưng chỉ phục vụ mang đi.
“Tôi không thể làm vlog như bình thường ngoài quay hàng xóm”, Ghib Ojisan than thở. Các công dân nước ngoài như anh không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thu nhập của chính phủ.
Ghib Ojisan không còn cơ hội quay các video ở Singapore. Ảnh: Today Online. |
Các biện pháp “ngắt mạch” đã phá vỡ cuộc sống thường ngày và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những hộ kinh doanh tự do. Ngoài các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và hậu cần, tất cả doanh nghiệp khác đều phải đóng cửa.
Nhân viên môi giới bất động sản Gerald Leong thường dành 4-5 tiếng/ngày để gặp gỡ khách hàng tiềm năng, nhưng giờ công ty chỉ có thể cung cấp lời khuyên thông qua các buổi gặp mặt trực tuyến. Chủ đại lý cũng không đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ của chính phủ. Anh phải tiêu vào khoản tiền tiết kiệm của mình trong vài tháng tới.
Lệnh phong tỏa dự kiến kết thúc vào ngày 1/6 nhưng sự gián đoạn có thể kéo dài. “Các ông chủ và nhân viên phải làm quen với những cuộc họp trực tuyến. Điều đó sẽ làm mờ ranh giới giữa cuộc sống gia đình và công việc”, Phó giáo sư xã hội học Tan Ern Ser tại Đại học Quốc gia Singapore bình luận.
“Không có nơi nào để đi”
Hôm 6/4, trước khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Sekito Yoshikawa, 23 tuổi, gói gém đồ đạc và rời khỏi quán cà phê Internet mà anh sống vài tuần qua. Không gian sống không đủ để Sekito duỗi chân, nhưng anh chỉ phải trả 1.298 yen/đêm (12 USD).
Cuộc sống của Sekito bị đảo lộn bởi đại dịch Covid-19. Anh phải bỏ công việc giao hàng cho Uber Eats tại Australia và trở về Nhật Bản sớm hơn dự kiến. Anh làm trợ giảng ở Tokyo rồi nghỉ việc một lần nữa sau khi các trường học bị đóng cửa.
“Tôi không chuẩn bị cho việc này. Chỉ còn 100.000 yen, tôi không còn nơi nào để đi”, Sekito tuyệt vọng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu đóng cửa nhiều doanh nghiệp, bao gồm quán cà phê Internet, tại 7 quận, trong đó có Tokyo.
Đối với Sekito và hàng nghìn người khác, điều đó đồng nghĩa với việc mất nhà. “Tôi không biết phải đi đâu. Các thư viện đã đóng cửa, McDonald’s cũng đóng cửa vào ban đêm vì virus”, Sekito than thở.
Người Nhật đeo khẩu trang đi trên đường phố ở Tokyo. Ảnh: Reuters. |
Đại dịch khiến nhiều cư dân Tokyo mất việc. Tài xế taxi Shigeo Oyama thường đưa các nhân viên văn phòng về nhà sau khi uống rượu ở quận Ginza. Nhưng giờ đường phố vắng tanh, thu nhập của anh giảm hơn 30%. “Mặc dù thu nhập giảm nhưng các hóa đơn vẫn ở đó. Tôi phải trả thuế nhà và ôtô sớm”, anh chia sẻ.
Tình hình có thể tồi tệ hơn. Hôm 8/4, công ty taxi Royal Limousine (Tokyo) đã sa thải gần như toàn bộ 600 nhân viên. "Mọi người trong ngành taxi đều bàn tán về nó", Oyama kể. Anh nghi ngờ khả năng phục hồi theo đồ thị hình chữ V như Thủ tướng Nhật Bản kỳ vọng.
“Sẽ mất nhiều thời gian để mọi thứ trở lại bình thường. Nhiều người đang cố vượt qua khủng hoảng bằng cách tiết kiệm chi tiêu, vì vậy họ sẽ không tiêu tiền như trước đây. Mọi người có thể không gọi taxi ngay cả khi đại dịch kết thúc”, anh dự đoán.
“Mắc kẹt trong phòng trọ”
Theo Jakarta Post, Tifa Asrianti, 40 tuổi, bắt đầu năm 2020 với những kế hoạch đầy tham vọng. Hai năm trước, cô nghỉ việc ở văn phòng cũ để đi làm tự do, kiếm sống bằng nghề dịch thuật, giám sát truyền thông và xây dựng nội dung.
Tifa đang chuẩn bị mua một căn hộ ở Bekasi (Indonesia) và đầu tư vào thị trường chứng khoán. Cô thậm chí còn đặt trước một kỳ nghỉ tại Canada. Dịch Covid-19 khiến mọi kế hoạch bị trì hoãn. Tifa cho biết cô đã hủy kế hoạch đầu tư và giữ tiền tiết kiệm.
Đại lý bất động sản nói rằng căn nhà không thể hoàn thành đúng hạn và Tifa đang tìm cách lấy lại tiền. Ngày 10/4, chính phủ Indonesia yêu cầu đóng cửa nhiều doanh nghiệp ở Jakarta.
Dịch Covid-19 làm sống lại trong Tifa ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và biến động chính trị tại Indonesia vào cuối những năm 1990 khiến hàng triệu người thất nghiệp. Cô sợ rằng tình hình hiện tại sẽ nghiêm trọng hơn.
Nhiều người Indonesia lo ngại khủng hoảng Covid-19 còn nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008. Ảnh: Antara. |
“Tuy nhiên, công nghệ truyền thông cho phép nhiều người kinh doanh trực tuyến mọi thứ từ nhà, vì vậy có thể mang lại nhiều cơ hội hơn năm 1998”, cô nói.
Siti Royhan cũng tự cho mình là người may mắn. Cô làm việc tại một quầy hàng bên trong một khu chung cư đông đúc ở Nam Jakarta. Gian hàng đông khách hơn trong vài tuần gần đây dù thời gian bán hàng bị rút ngắn lại. “Tôi đoán cư dân khu chung cư phải làm việc tại nhà”, Siti chia sẻ.
Tuy nhiên, Siti cảm thấy chán chường. “Tôi thường đi chơi với bạn bè vào cuối tuần, đi bơi hoặc đến các trung tâm mua sắm. Nhưng giờ tôi bị mắc kẹt trong phòng trọ cả ngày”, cô than thở.