Theo New York Times, các giàn khoan ở Biển Bắc đã cung cấp cho nền kinh tế Anh hàng trăm nghìn việc làm và hàng tỷ USD tiền thuế trong nhiều thập kỷ. Nhưng giờ, sự sụp đổ giá dầu và những trường hợp nhiễm virus corona tại các giàn khoan đang tàn phá ngành công nghiệp lớn.
Các công ty dầu mỏ tạm hoãn những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Nhân sự bị cắt giảm để giảm chi phí và đảm bảo an toàn khi ít nhất hai công nhân ngoài khơi đã dương tính với virus corona.
“Chúng tôi đã trải qua sự biến động về hàng hóa và tự nhiên, nhưng lần này thì khác. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cả thế giới đóng cửa như thế này”, New York Times dẫn lời ông Jim House, Giám đốc điều hành Công ty dầu khí Neptune Energy, bình luận.
Tương lai mờ mịt
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những tác động đến tương lai của ngành dầu khí Biển Bắc. Sức khỏe của ngành công nghiệp phụ thuộc vào việc tìm kiếm các mỏ mới dưới đáy biển. Nhưng giới chuyên gia cho rằng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu giá dầu tiếp tục lao dốc.
Tính từ đầu năm, giá dầu thô Brent đã giảm khoảng 70% xuống còn 20 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ WTI thậm chí rơi xuống mức giá âm hồi đầu tuần. “Có rất nhiều mỏ dầu chưa được khai thác ở Biển Bắc. Việc khai thác là không khả thi nếu giá tiếp tục xuống thấp trong năm nay”, giáo sư Alexander Kemp tại Đại học Aberdeen bình luận.
Giá dầu ngoài khơi Brent sụt giảm 70% trong năm nay. Ảnh: New York Times. |
Nếu vậy, mạng lưới doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp dầu thô Biển Bắc, từ nhà cung cấp máy khoan, đường ống dưới biển đến nhà ở ngoài khơi, đều bị ảnh hưởng.
Ông Innes Auchterlonie, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Imrrand, nhận định rằng ngành công nghiệp dầu mỏ đang ở trong trạng thái hỗn loạn nhất trong nhiều thập kỷ.
Hai hợp đồng tại Biển Bắc của công ty đã bị hủy bỏ. Ông lo lắng cho tương lai của công ty và 45 người lao động. "Nỗi lo của tôi là chúng ta có thể duy trì trong bao lâu? Các công ty dầu mỏ dừng dịch vụ như của chúng tôi để tiết kiệm tiền. Tôi hiểu tình hình của họ", ông nói thêm.
Cú sụp đổ giá dầu có tác động sâu rộng đến nguồn thu thuế, việc làm và sự giàu có của các thành phố phụ thuộc vào dầu mỏ như Aberdeen (Scotland). Kể từ những năm 1960, cảng cá cũ tại đây đã phát triển mạnh mẽ thành trung tâm dầu mỏ. Thành phố 200.000 dân vượt xa Scotland và Anh về sản lượng kinh tế bình quân đầu người và việc làm.
Nhưng giờ, các nhà lãnh đạo địa phương lo lắng rằng ngành công nghiệp xuống dốc sẽ kéo theo những thay đổi khác. Một số công nhân đã chuyển đến Brazil và Angola, một số khác chuyển sang lĩnh vực năng lượng sạch hơn.
Nhu cầu không trở lại như cũ
Vùng biển của Anh vẫn hoạt động hiệu quả với 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 75% lượng tiêu thụ dầu của Anh và 50% nhu cầu khí tự nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành công nghiệp dầu mỏ tin rằng thế giới sẽ không còn như cũ ngay cả khi đại dịch qua đi.
Người tiêu dùng sẽ không phụ thuộc vào xe, máy bay hay những thói quen khác sinh ra nhu cầu tiêu thụ dầu. “Nhu cầu sẽ trở lại nhưng không nhanh. Thời kỳ nhu cầu dầu kỷ lục có lẽ đã qua đi”, Mike Tholen, Giám đốc Oil and Gas UK, bình luận.
Vùng biển của Anh sản xuất 75% lượng dầu tiêu thụ ở Anh. Ảnh: New York Times. |
Giới quan sát nhận định các chính phủ có thể tiếp tục đưa ra những biện pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn như cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide, đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu sụt giảm.
Các công ty dầu mỏ đang trì hoãn nhiều dự án quyết định tương lai ngành công nghiệp. Siccar Point, công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu, đã tạm dừng dự án hàng đầu Biển Bắc. Giai đoạn đầu tiên có tên Cambo có quy mô lên đến 3 tỷ USD.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Rystad Energy ước tính dự án sẽ cần khoảng 1.000 kỹ sư và kỹ thuật viên. “Dự án bị trì hoãn không chỉ vì vấn đề kinh tế mà còn do lo lắng về sự an toàn”, các chuyên gia nhận định.
Nỗi bất an bùng lên tại các cơ sở ngoài khơi trong bối cảnh đại dịch. Công nhân phải bay ra bằng trực thăng, ở giàn khoan 2-3 tuần và chia sẻ phòng ngủ chật hẹp với đồng nghiệp.
Các công ty dầu đã bắt đầu kiểm tra sức khỏe tại các sân bay và giảm số người lao động trên mỗi cơ sở. Số công nhân làm việc tại một cơ sở giảm từ 11.500 người xuống còn 4.000 người.
John Boland, một quan chức Scotland, đại diện cho các công nhân ngành công nghiệp, cho biết người lao động làm việc trong ngành công nghiệp rất lo sợ khi ở ngoài khơi. Hôm 2/4, một công nhân đã đi trực thăng từ mỏ dầu Clair Ridge ở Scotland. Người này sau đó được xét nghiệm dương tính với virus.
Giới đầu tư xa lánh
Đại dịch Covid-19 là cú sốc thứ hai đối với khu vực trong vòng 6 năm. Sau khi giá dầu sụp đổ vào năm 2014, các nhà khai thác Biển Bắc đã cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nhưng đầu tư chỉ còn khoảng 25%. Trong khi đó, số việc làm giảm 40% so với năm 2013.
Neivan Boroujerdi, chuyên gia tại Wood Mackenzie, cho biết các nhà đầu tư đang xa lánh lĩnh vực dầu mỏ, đặc biệc là dầu ngoài khơi của Anh vì chi phí sản xuất tương đối cao.
Các công ty như Chevron và Conoco Phillips đã bán cổ phần trước khi giá dầu sụp đổ. “Biển Bắc gặp thách thức lớn trong việc thu hút vốn”, chuyên gia Boroujerdi nhận xét.
Dầu ngoài khơi tại Anh khó thu hút vốn đầu tư. Ảnh: New York Times. |
Dầu khí từng là nguồn thu thuế chính của Anh nhưng giờ không còn nữa. Tiền thuế trả cho chính phủ Anh hàng năm giảm từ 11 tỷ bảng (13.57 tỷ USD) xuống còn hơn 1 tỷ bảng (1,23 tỷ USD) hồi năm ngoái. Theo giới phân tích, ngành công nghiệp có thể không phải trả bất kỳ khoản thuế nào trong năm nay.
Nhiều năm qua, doanh nhân Ian Wood đã cố gắng chuẩn bị cho sự suy giảm không thể tránh khỏi trong ngành công nghiệp dầu. Vào cuối những năm 1960, ông Wood, công nhân tại một công ty sửa chữa tàu gia đình, bắt đầu bán các thiết bị dầu.
Ông xây dựng công ty Wood thành nhà thầu năng lượng toàn cầu và trở thành một trong những người giàu nhất Scotland. Ông Wood, 77 tuổi, giờ đã nghỉ hưu. Thông qua tập đoàn của gia đình, ông tài trợ cho tổ chức Cơ hội Đông Bắc với mục đích tận dụng tối đa khả năng của khu vực như nguồn năng lượng tái tạo mới (gió, hydro).