Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lao động Trung Quốc về quê ăn Tết sớm vì khó khăn kinh tế

Các bến tàu ở nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đông nghẹt người gần hai tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do hàng triệu công nhân ngoại tỉnh về quê sớm khi kinh tế đang khó khăn.

Theo South China Morning Post, hàng triệu người lao động ngoại tỉnh ở Trung Quốc đã bắt đầu đổ dồn về các nhà ga, bến tàu để trở về quê nhân kỳ nghỉ Tết cổ truyền. Họ khởi hành sớm hơn mọi năm vì kinh tế nước này suy giảm trong năm qua khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Các bến tàu ở thủ đô Bắc Kinh hay nhiều thành phố lớn của Trung Quốc luôn trong trạng thái đông nghẹt người gần hai tuần trước kỳ nghỉ Tết.

Liu Mei, 38 tuổi, quê ở huyện Tân Hóa, tỉnh Hồ Nam cùng chồng là Chu Yangjian, làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Năm nay, ông chủ của Liu cho phép công nhân nghỉ lễ sớm.

Theo Liu, các nhân viên được nghỉ sớm so với mọi năm vì số lượng đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất của công ty đang giảm sút. “Hoạt động kinh doanh không được tốt đẹp. Ông chủ hoãn trả lương cho chúng tôi hai tháng nay. Họ cho phép công nhân được nghỉ lễ sớm", Liu nói.

Vợ chồng Liu hiện rất háo hức được gặp các con. Kể từ khi làm việc xa nhà, họ mới chỉ gặp chúng một lần trong năm. Liu và chồng sẽ mất 12 tiếng đề trở về đoàn tụ với các con, nhưng đó không phải là vấn đề với họ.

Liu Mei và chồng Chu Yangjian. Ảnh: South China Morning Post

Hai con của Liu hiện 9 và 14 tuổi, nằm trong số hàng chục triệu trẻ em có cha mẹ làm ăn xa tại Trung Quốc. “Tôi luôn nhớ bọn trẻ nhưng không biết phải làm gì vì tìm việc ở Tân Hóa thật khó”, Liu nói.

Liu và Chu không phải là những công dân làm việc xa quê hương duy nhất rơi vào cảnh được nghỉ Tết sớm nhưng không vui như vậy.

Bóng đen suy giảm kinh tế bủa vây tâm trạng của nhiều công nhân nhập cư đợi tàu ở một nhà ga của thành phố Phật Sơn, hôm 25/1, một trong những ngày nhiệt độ thấp kỷ lục tại khu vực này.

Luo Cheng, 40 tuổi, và vợ cũng là lao động nhâp cư. Họ đều có quê ở tỉnh Hồ Nam. Hai vợ chồng quyết định về quê sớm một tuần so với kỳ nghỉ năm 2015.

Theo Luo, năm nay, công ty sản xuất giầy mà họ đang làm việc ở thành phố Phật Sơn có ít đơn đặt hàng. Do đó, công ty muốn cắt giảm lương bằng cách cho phép công nhân về quê sớm.

“Chúng tôi có một con trai 12 tuổi và cháu đang sống cùng ông bà đã 60 tuổi”, Luo nói trong khi chạy nhanh để kịp chuyến tàu. Anh và vợ sẽ mất 8 tiếng để về quê. Họ quyết định không quay trở lại thành phố dù không biết sẽ làm gì sau này.

Người lao động nhập cư xếp hàng dài tại một ga tàu ở thành phố Phật Sơn chiều 25/1. Ảnh: South China Morning Post

Nhiều lao động ngoại tỉnh khác không được may mắn như Lou. Ban quản lý nhà ga ở thành phố Phật Sơn thông báo hoãn 9 chuyến ngày 23/1, 8 chuyến ngày 24/1 và 5 chuyến ngày hôm sau vì “gió mạnh” do hiện tượng lốc xoáy vùng cực, gây ra thời tiết lạnh bất thường trên khắp cả nước.

Liu Jianyun, 32 tuổi, là một trong những công nhân nhập cư kém may mắn khi chuyến tàu về thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam bị hoãn.

Anh làm việc ở một xưởng kim loại ở thành phố Phật Sơn suốt 11 năm qua. Liu đã đợi tại ga tàu suốt 6 tiếng để nhân viên hoàn lại tiền và chọn cho anh một chuyến khác. Việc không thể về quê sớm như dự kiến khiến công nhân này cảm thấy thất vọng.

Từng giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài, Trung Quốc giờ đây đang rơi vào khủng hoảng. Với tỷ lệ 6,9% cho cả năm 2015, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Nhịp sống đảo lộn trong giá rét kỷ lục ở Trung Quốc

Sông hồ đóng băng, gió thổi mạnh và tuyết phủ trắng nhiều vùng ở Trung Quốc những ngày qua, khiến mọi hoạt động đều bị ngưng trệ.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm