Theo Bloomberg, Trung Quốc từng tuyên bố nền kinh tế sẽ sớm trở lại đúng quỹ đạo sau 3 năm áp dụng Zero Covid. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của chính sách này vẫn đang bao phủ khắp các doanh nghiệp sản xuất và để lại những nghi ngờ về tốc độ phục hồi.
Tại trung tâm thành phố Quảng Châu, nơi có các chợ buôn hàng may mặc lớn nhất Trung Quốc, giới chủ nhà máy và nhà tuyển dụng cho biết nhiều công nhân không muốn quay lại do lo ngại cảnh bị phong tỏa kéo dài, không có lương và các cuộc biểu tình bạo lực tương tự vào năm ngoái.
Một số nhà tuyển dụng nỗ lực đăng tin quảng cáo, trong khi số khác kêu gọi lao động tiềm năng bằng cách đưa ra hàng loạt điều kiện và lợi ích.
Nhiều lao động không quay lại nhà máy
Tang Ning - một nhà tuyển dụng ở quận Hải Châu, nơi từng bị phong tỏa một tháng vào cuối năm 2022 - cho biết không thể thuê được bất kỳ một nhân viên nào trong suốt cả tuần nay. Trước Tết Nguyên đán, xưởng may của cô có hơn 30 nhân viên, nhưng chỉ 10 người quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ.
“Hãy tưởng tượng bạn đang sống tại một siêu đô thị xa quê mà lương cả đời cũng không mua nổi một căn nhà, bạn phải sống trong căn phòng trọ cũ nát, chung toilet với nhiều người và làm việc 12 tiếng/ngày. Mục tiêu duy nhất là kiếm và tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng rồi lệnh phong tỏa được đưa ra, bạn không biết mình sẽ không được trả lương trong bao lâu đâu”, Tang chia sẻ.
Các chủ nhà máy và nhà tuyển dụng phải xuống đường tìm lao động. Ảnh: Bloomberg. |
Các trung tâm sản xuất tại Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 sản lượng của thế giới, do đó việc người lao động nhập cư không muốn quay trở lại làm trầm trọng thêm các vấn đề cơ cấu dài hạn trong thị trường lao động Trung Quốc.
Trước khi áp dụng chính sách Zero Covid, lực lượng lao động Trung Quốc có xu hướng thu hẹp do dân số già và những người trẻ tuổi ít sẵn sàng làm việc cho các nhóm ngành thiếu hụt nhân sự hay công việc lương thấp.
Mặc dù không biết chính xác có bao nhiêu trong số 296 triệu công nhân nhập cư tại Trung Quốc không quay lại nhà máy, nhưng các cuộc phỏng vấn nhân viên và nhà quản lý cho thấy rõ những thách thức mà một số ngành phải đối mặt nếu muốn trở lại đúng hướng. Điều đó buộc các công ty phải nâng cao các đặc quyền và tăng lương cho người lao động.
Zero Covid cũng khiến các nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng cho những thương hiệu lớn như Tesla và Apple phải đóng cửa liên tục. Những công nhân không được trả lương trong nhiều tháng hoặc bị buộc phải sống trong khu vực khép kín.
“Ngày càng nhiều lao động nhập cư quyết ở lại quê hương sau khi trải qua những bất ổn trong bối cảnh phong tỏa do Covid-19. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ của chính phủ ở khu vực nông thôn đã thuyết phục được nhiều lao động tìm việc tại địa phương hơn”, Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, nhận định.
Nâng cao chính sách tuyển dụng
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang web tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, gần 40% người lao động về quê ăn tết muốn tìm việc làm tại quê nhà, trong đó khoảng 15% đã tìm được việc.
Bên cạnh tăng lương, một số doanh nghiệp đang “trải thảm đỏ” cho người lao động. Thành phố Phật Sơn ở trung tâm kinh tế Quảng Đông đã cử đoàn tuyển dụng đến tỉnh Quý Châu vào cuối tháng 1 như một phần của chiến dịch tìm lao động. Nhiều công ty sẵn sàng thuê chuyến bay và tàu hỏa để hỗ trợ nhân viên trở lại.
Trong khi đó, các quan chức ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang và Phúc Kiến cũng đang cung cấp các khoản trợ cấp bằng tiền mặt để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.
Tuy nhiên, những người lao động hiện làm việc tại trung tâm dệt may của Quảng Châu cho biết nhu cầu cốt lõi từ các nhà tuyển dụng là sự ổn định, ngay cả khi mức lương thấp hơn.
Lao động Trung Quốc có xu hướng không quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Bloomberg. |
Đến nay, tình trạng thiếu hụt lao động tạo ảnh hưởng khác nhau trên từng khu vực. Foxconn, đối tác hàng đầu của Apple, đã thêm tiền thưởng để đưa nhân viên trở lại nhà máy. Các hoạt động dần trở lại bình thường sau một loạt đợt phong tỏa do Covid-19 vào năm ngoái. Trong khi đó, một số nhà máy ở Chiết Giang và Phúc Kiến cho biết không phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng lao động.
Theo Joerg Wuttke - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, việc chi trả mức lương cao hơn cần thiết để lôi kéo người lao động vào một số ngành bị thâm hụt có thể gây tổn hại đến lợi thế lâu nay của quốc gia nổi tiếng với chi phí lao động thấp.
“Trung Quốc chắc chắn trong một khoảng thời gian rất ngắn sẽ đánh mất mọi cơ hội có được đối với những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Nếu Trung Quốc muốn cạnh tranh, họ phải quan tâm đến lao động nhập cư”, Joerg Wuttke nói và chỉ ra một số quốc gia như Việt Nam, Bangladesh hay Indonesia có thể hưởng lợi từ xu hướng này.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế