Theo thống kê của bộ Lao động Nhật Bản, 125 người nước ngoài đã thiệt mạng khi làm việc trong giai đoạn từ 2007-2017, và mỗi năm có tới khoảng 2.500 người bị thương trong các tai nạn lao động.
Hầu hết diễn ra trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất, với những trường hợp ngã từ trên cao ở công trường xây dựng, tai nạn liên quan đến máy móc và bị thương do va chạm với phương tiện khác.
Dơ bẩn, nặng nhọc, nguy hiểm
Những công việc kiểu này được người Nhật xếp vào một nhóm riêng có tên gọi “3K”, bao gồm ba tính từ trong tiếng Nhật: kitanai, kitsuivà kiken (dơ bẩn, nặng nhọc và nguy hiểm). Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi khiến thị trường lao động thiếu hụt trầm trọng, những công việc này hầu hết được thực hiện bởi những lao động nước ngoài, những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm việc.
Lao động Việt Nam làm việc tại một công trường xây dựng ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Bộ Sức khoẻ, Lao động và Phúc lợi cho biết cơ quan này sẽ tăng cường nhắc nhở các công ty về việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động. Bên cạnh đó, lao động nước ngoài sẽ được nhận sự quan tâm đặc biệt về vấn đề này, vì nhiều người không có đủ trình độ tiếng Nhật để hiểu hết các quy tắc và tiêu chuẩn an toàn.
Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng video hướng dẫn an toàn được thực hiện dưới nhiều ngôn ngữ để dành riêng cho các lao động ngoại quốc. Các luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng cho rằng chính phủ cần làm nhiều hơn để đảm bảo người thân của các nạn nhân có thể nhận được sự đền bù thoả đáng trong trường hợp tai nạn xảy ra.
Chết vì quá sức
Ông Keiko Kato, luật sư của văn phòng luật Masuda tại Tokyo chuyên xử lý các vụ việc liên quan đến lao động nước ngoài nhận định: “Có một sự thiếu hụt lao động trầm trọng ở Nhật Bản, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt cá”.
Một trong những quan tâm của các nhà hoạt động đó là chương trình tu nghiệp sinh được chính phủ giới thiệu từ năm 1993. Chương trình này là một mô hình trong đó các lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển sẽ đến Nhật theo dạng vừa học vừa làm trong một giai đoạn nhất định, thường là vài năm, sau đó sẽ mang những kỹ năng được đào tạo trở về quê hương.
Chương trình này đang bị chỉ trích vì những người phản đối cho rằng các công ty đã lợi dụng nó để tìm kiếm lao động giá rẻ. Có rất nhiều các báo cáo về trường hợp những thực tập sinh bị đối xử tệ bạc, phải làm việc quá sức dưới điều kiện không đảm bảo trong khi chỉ được trả một mức lương rẻ mạt.
Thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy có 22 tu nghiệp sinh nước ngoài đã thiệt mạng vì lý do liên quan đến công việc trong giai đoạn từ năm 2014-2016. Trong số này có một trường hợp đến từ Philippines đã chết vì karoshi (làm việc quá sức). Tính riêng với lao động nước ngoài, cứ 100.000 người thì có 3,7 người chết vì công việc, gấp đôi so với tỷ lệ của lao động bản xứ.
Điều kiện làm việc tại một số cơ sở sử dụng thực tập sinh nước ngoài tệ đến mức nhiều người trong số này đã bỏ trốn và ra ngoài làm việc “chui”. Luật sư Kato ước tính tới khoảng 66.500 người đang lao động bất hợp pháp tại Nhật khi đã hết hạn visa, mặc dù con số thực tế có thể còn cao hơn.
Đầu tháng này, 5 thực tập sinh nước ngoài đã làm chứng trước một uỷ ban của chính phủ trong đó kể lại những trải nghiệm tồi tệ của họ khi làm việc, với mức lương rẻ mạt, điều kiện nghèo nàn và những tai nạn lao động họ từng chứng kiến.
Một phụ nữ Trung Quốc làm công nhân may tại một nhà máy ở tỉnh Gifu cho biết cô chỉ được trả 300 yen (61.500 đồng) cho mỗi giờ làm việc, chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu ở khu vực, và phải làm việc từ 8h sáng đến 12h đêm. Một thực tập sinh Trung Quốc khác kể rằng cô đã cố tự tử bằng cách nhảy từ nóc công ty sản xuất giấy mà mình đang làm việc vì bị bắt nạt và quấy rối.
Có khoảng 275.000 thực tập sinh kỹ năng nước ngoài ở Nhật Bản và họ được cấp visa làm việc trong 5 năm. Chính phủ của Thủ tướng Abe mới đây đã đề xuất một kế hoạch mở cửa để tăng lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công.