Tại họp báo chiều 7/10, trả lời câu hỏi của Zing về việc lao động ở ngoại tỉnh muốn trở lại TP.HCM làm việc thì cần những thủ tục gì, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) cho biết ở công văn 3232 của UBND TP.HCM có phương án vận chuyển người lao động giữa các tỉnh đến TP.HCM để làm việc.
Trong phương án, để đảm bảo công tác phòng chống dịch của thành phố và để hạn chế lây lan dịch bệnh phù hợp nhu cầu lưu thông của người lao động trên địa bàn thành phố thì thực hiện theo Chỉ thị 18.
Theo đó, đối tượng là người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh dưới 6 tháng, đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi đối với vaccine tiêm 2 mũi. Như vậy, người lao động muốn quay lại TP ít nhất phải tiêm 1 mũi hoặc đã mắc Covid-19 trong vòng 180 ngày.
Đối với lao động thuộc doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao muốn vào TP làm việc, ông An cho biết các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển sẽ gửi phương án vận chuyển về UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp,... hoặc bộ ngành quản lý để rà soát tổng hợp gửi Sở GTVT TP.HCM để triển khai đưa đón người lao động về thành phố.
Về phương tiện vận chuyển lao động phải di chuyển bằng ôtô trên 10 chỗ và Sở GTVT sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh thành phố và Sở GTVT các tỉnh sẽ phối hợp thực hiện.
Người lao động muốn quay lại TP.HCM ít nhất phải tiêm 1 mũi vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trong vòng 180 ngày. Ảnh: Chí Hùng. |
Trước đó, TP.HCM có 3 phương thức vận chuyển người lao động bằng đường bộ. Phương thức 1 là đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối (UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban Quản lý khu Công nghệ cao...) để rà soát, tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải TP xem xét, triển khai. Sở sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe và thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch. Xe trả khách tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây. Người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng taxi đã được Sở Giao thông Vận tải TP cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.
Phương thức 2 là Ban Quản lý khu chế xuất, Ban Quản lý khu Công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận triển khai, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.
Phương thức 3 là tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP.HCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.
Các đơn vị vận tải khai thác trên từng tuyến do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thống nhất với Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành phố liên quan cấp giấy nhận diện trước khi thực hiện. Giá vé sẽ được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.
Giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến 31/10), TP sẽ triển khai vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 triển khai vận chuyển thêm phương thức 3 khi có kế hoạch, phương án hoạt động đường bộ liên tỉnh của Bộ Giao thông Vận tải (dự kiến từ ngày 1/11).