Nhiều ngày qua, người dân TP.HCM cảm thấy bất an với hiện tượng sương mù dày đặc tại một số thời điểm trong ngày. Bên cạnh đó, triều cường đạt đỉnh khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Bên lề hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với các quận, huyện, Zing.vn đã đặt nhiều câu hỏi cho các lãnh đạo thành phố về vấn đề ô nhiễm không khí, ngập nặng lúc triều cường, ách tắc giao thông...
Cần đo cả ngày mới có chỉ số ô nhiễm chính xác
Trao đổi với Zing.vn bên lề buổi hội nghị tại văn phòng Thành ủy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá trình độ quan trắc, dự báo của TP.HCM còn hạn chế, đặc biệt trong vấn đề môi trường.
"Môi trường là yếu tố rất quan trọng của thành phố, đặc biệt là khi TP.HCM hướng tới đô thị thông minh. Cần thẳng thắn nhìn nhận việc giám sát, quan trắc, dự báo chúng ta làm chưa tốt", Bí thư Thành ủy chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Zing.vn bên lề hội nghị. Ảnh: Quang Huy. |
Dẫn chứng cho sự hạn chế trên, ông Nguyễn Thiện Nhân lấy ví dụ việc thành phố đã chậm trễ trong việc đưa ra kết luận ô nhiễm không khí tại TP.HCM có phải do ảnh hưởng bởi cháy rừng tại Indonesia hay không.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM chia sẻ thêm những con số về chỉ số ô nhiễm mà Air Visual đưa ra đáng để người dân và chính quyền quan tâm, tuy nhiên đó không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá sự ô nhiễm của một thành phố.
Thời điểm tháng 9, bảng chỉ số không khí tại TP.HCM hiển thị thông báo của tháng 8. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Con số trên chỉ là tại 1 thời điểm, để có con số chính xác phải đo đủ cả 24 tiếng rồi đưa ra con số trung bình độ ô nhiễm. Ví dụ có thể lúc 8h mật độ giao thông cao khiến chất lượng không khí giảm nhưng 12h hay ban đêm chất lượng không khí sẽ tốt hơn", Bí thư Nhân giải thích.
Ông Nhân cũng thông tin TP.HCM đã có những chương trình nhằm cải thiện môi trường trong thời gian tới, đặc biệt hệ thống đo, giám sát, quan trắc.
Triều cường lên, lãnh đạo thành phố cũng 'sốt ruột'
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng chia sẻ sau những ngày đỉnh triều lên cao, lãnh đạo UBND cũng cảm thấy sốt ruột với tiến độ dự án chống ngập gần 10 nghìn tỷ, đặc biệt hạng mục ngăn triều của dự án.
Theo dự kiến, tháng 6 năm 2020, dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ.
Hạng mục ngăn triều tại huyện Nhà Bè của dự án chống ngập gần 10.000 tỷ. Ảnh: Lê Quân. |
"Sau khi hoàn thành, các cống ngăn triều sẽ phối hợp cùng các hồ điều hòa giúp cải thiện vấn đề ngập lụt của TP", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Ông Hoan thông tin thêm TP.HCM đang hoàn thiện những khâu cuối cùng nhằm điều chỉnh phụ lục các hạng mục dự án để trình ngân hàng nhà nước, kéo dài thời gian tái cấp vốn. Dự kiến tháng 6 năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
“Sau khi hoàn thiện điều chỉnh các hạng mục nội bộ bên trong, TP mới đủ cơ sở để xin gia hạn thời gian tái cấp vốn. Dù có điều chỉnh các hạng mục nhưng tổng mức đầu tư của dự án sẽ không thay đổi”, ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Nhắc tới hiện tượng ngập do triều những ngày qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM đã nhìn nhận trước được vấn đề. Dự án chống ngập sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản được hiện trạng trên.
"Thành phố có đặc điểm là ngoài ngập do mưa còn ngập do triều. Nhìn nhận được vấn đề trên, TP.HCM đã đưa dự án chống ngập vào danh sách các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ này", người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nói.