Lãnh đạo Sacombank, Eximbank nói gì về sáp nhập?
Hai ngân hàng đã thuê tổ chức tư vấn quốc tế về sáp nhập nhưng còn nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi tiến hành.
Chiều 29/1, tại TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) và ngân hàng thương mại cổ phần Xuât nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB).
Tại buổi ký kết, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank cho biết: mặc dù có 6 nội dung hợp tác, nhưng cá nhân ông chia thành 2 nhóm nội dung.
Thứ nhất, hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Trong đó hai bên sẽ hợp tác về nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm; cùng triển khai dịch vụ cho khách hàng vay vốn theo hình thức đồng tài trợ hoặc uỷ thác cho vay; hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ....
Đối với việc hợp tác tài chính, tuỳ từng thế mạnh từng bên để phát huy bổ sung cho nhau.
Thứ hai, thoả thuận nghiên cứu, xem xét trình Đại hội đồng cổ đông và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất và sáp nhập. Việc đi đến việc hợp nhất và sáp nhập là vấn đề hết sức nhạy cảm nên cần đến 3 - 5 năm để nghiên cứu khi có đầy đủ các điều kiện.
Việc ký kết này là màn chào sân ấn tượng của Sacombank và Eximbank của năm 2013 và những năm tiếp theo.
Đại diện Sacombank, ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc (bên trái) và đại diện Eximbank, ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc ký kết thỏa thuận hợp tác |
Trả lời câu hỏi của báo giới trong trường hợp việc hợp nhất hay sáp nhập 2 ngân hàng thành công, khó khăn, thách thức mà hai ngân hàng phải đối mặt cũng như liệu rằng việc sáp nhập/hợp nhất có là cách thức để “xóa” sở hữu chéo giữa 2 ngân hay không?
Ông Lê Hùng Dũng cho biết:
Khó khăn nhất trong lộ trình nghiên cứu, xem xét để có thể tiến tới hợp nhất/sáp nhập hai ngân hàng như tôi đã nói đây chỉ là “nghiên cứu”. Để làm được điều này chúng tôi phải bàn bạc, làm việc với nhau và với một công ty tư vấn quốc tế có uy tín nghiên cứu tiền khả thi.
Sau khi tổ chức tư vấn nghiên cứu tiền khả thi sẽ trình bày cho Hội đồng quản trị (HĐQT) của 2 bên, để HĐQT hai bên có những đóng góp, bổ sung, sửa đổi. Nếu tính khả thi “có thể” hai bên sẽ thảo luận để đi đến giai đoạn 2 của quá trình.
Khi có kết quả nghiên cứu khả thi thì tiến hành thảo luận lần nữa, và trình cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước - Ngân hàng Nhà nước(NHNN) chi nhánh TP.HCM để nếu thuận lợi chi nhánh sẽ trình ra NHNN. Khi có sự chấp thuận của NHNN, hai bên sẽ trình cho Đại HĐQT các nội dung chi tiết, đề án về lộ trình hợp nhất/sáp nhập.
Tôi nghĩ rằng, khó khăn nếu có của việc hợp nhất/sáp nhập sẽ là tên gì? Tỷ lệ chuyển đổi bao nhiêu, số lượng cổ đông đồng ý theo điều lệ mỗi bên và yêu cầu của NHNN.
Việc hợp nhất/sáp nhập có nhằm xóa đi sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng hay không? Tôi cho rằng, chúng tôi (EIB và STB) đã công khai, minh bạch. Trước khi mua lại cổ phần STB từ ANZ, trở thành cổ đông lớn nhất của STB, quy trình này chúng tôi đã báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước và được cho phép.
Vì vậy, chúng tôi thấy “không có chéo ở đây”. Quá trình mua lại cổ phần từ ANZ của Eximbank là công khai, minh bạch, được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đúng quy trình. Vì vậy, việc sở hữu này là đúng theo quy định của pháp luật.
- Liệu việc sáp nhập hay hợp nhất này, hai ngân hàng đã tham khảo ý kiến cổ đông nước ngoài của 2 ngân hàng hay chưa?
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT của Sacombank: Vào tháng 6/2006, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, lãnh đạo của của 3 ngân hàng là ACB, Sacombank và Eximbank đã từng bàn nhau về việc có thể hợp nhất 3 ngân hàng lại hay không. Ý tưởng hợp nhất được lặp lại khi HĐQT của Eximbank họp tại Đà Lạt.
Việc đầu tư vào CP STB dùng để tái cơ cấu danh mục đầu tư của EIB, và nếu điều kiện thuận tiện thì 2 ngân hàng có thể hợp nhất. Vì vậy đến hôm nay khi bàn đến việc hợp nhất 2 ngân hàng là nằm trong kịch bản.
Đối với đầu tư vào STB, cổ đông của Eximbank rất phấn khởi với các khoản đầu tư vào Sacombank với giá vốn khoảng 16.000 đồng/CP – đây là khoản đầu tư có hiệu quả.
Về phía Sacombank, chúng tôi nhận rất nhiều đơn thư của cổ đông bày tỏ sự phấn khởi khi Eximbank trở thành cổ đông lớn của Sacombank. Từ đó, chúng tôi đi đến hợp tác toàn diện, nghiên cứu hợp nhất hay sáp nhập hai ngân hàng.
Tại sao chúng tôi cần 3 - 5 năm, đây là khoảng thời gian để 2 bên có cơ hội tìm hiểu. Ngoài ra, theo nội dung tái cơ cấu của NHNN đến năm 2015 phải có những ngân hàng đạt tầm cỡ quốc tế, nên việc hợp nhất hay sáp nhập hai ngân hàng là hợp lý.
Việc hợp nhất sẽ đáp ứng được 4 nội dung: quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của hệ thống ngân hàng, quyền lợi của cổ đông và quyền lợi của cán bộ công nhân viên. 4 nội dung này đáp ứng được chúng tôi tin Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ sẽ ủng hộ phương án hợp nhất/sáp nhập.
- Liệu tới đây Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) sáp nhập vào Sacombank hay vào Sacombank-Eximbank hay không?
Ông Phạm Hữu Phú: đến nay vẫn chưa có chương trình nghị sự cho việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank hay SouthernBank nhập vào Sacombank - Eximbank.
- Trong khi chờ đợi hợp nhất, việc hợp tác chủ yếu trong các lĩnh vực trọng yếu, như vậy có phải đã lộ bí mật kinh doanh của từng ngân hàng không?
Ông Lê Hùng Dũng: việc ký kết này là ký kết hợp tác chiến lược, không phải hợp nhất hay sáp nhập. Trong mục 6 của hợp tác, hai ngân hàng có ghi rõ là "nghiên cứu, xem xét" việc hợp nhất, chỉ khi nào nghiên cứu hợp nhất/sáp nhập trả lời thoả mãn các nội dung đặt ra, chúng tôi mới trình đề án hợp nhất/sáp nhật lên cơ quan Nhà nước. Vấn đề hợp nhất/sáp nhập vẫn nằm ở thì tương lai.
Về lộ bí mật kinh doanh, không đáng lo ngại do đội ngũ hai bên được đào tạo, cùng làm chung lĩnh vực, văn hoá quen thuộc, không có sự khác biệt. Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Ông Phạm Hữu Phú chia sẻ: Trong tháng 1/2013, Sacombank đạt trên 275 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2012, Sacombank đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, trong tình huống trích dự phòng toàn bộ cho SBS – trên 1.000 tỷ đồng. Thanh tra đồng ý cho chúng tôi trích lập dự phòng cho SBS trong 2 năm, nhưng chúng tôi trích toàn bộ trong năm 2012 để cho SBS có một hành trang phát triển mới.
The CafeF/TTVN