“Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi cán bộ cơ sở tiếp cận cư dân nước ngoài", bà Dương Thị Cẩm Hồng, Chủ tịch UBND phường Tân Phú (quận 7) nêu vấn đề tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.HCM với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2020 ngày 18/1.
Theo bà Hồng, UBND phường Tân Phú hiện quản lý 5.000 cư dân là người nước ngoài đang sinh sống tại 26 chung cư. Đa số thuộc diện tạm trú, tạm vắng. Giải pháp hiện tại của địa phương là ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công an có khả năng sử dụng tiếng nước ngoài.
Quản lý chung cư khó đủ đường
Một khó khăn nữa được nhiều đại diện phường, xã nêu ra là các chung cư thương mại hiện quản lý bằng thẻ từ. Đây là giải pháp an ninh tích cực nhưng lại gây nhiều khó khăn với cán bộ quản lý địa phương bởi mất nhiều thời gian để vào chung cư khi cần thực thi nhiệm vụ.
Lãnh đạo nhiều phường, xã, thị trấn nêu khó khăn trong quản lý chung cư. Ảnh: N.Đ. |
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Thảo Điền (quận 2), cũng cho rằng việc quản lý người nước ngoài ở chung cư khiến cơ quan chức năng hao công tốn sức. Để giải quyết tình trạng này, phường Thảo Điền đã có sáng kiến vận động cư dân nước ngoài tham gia ban quản lý (hoặc ban quản trị) chung cư.
"Mới đầu khó khăn, nhưng về sau, các buổi đối thoại diễn ra thuận lợi bởi hai bên tìm ra tiếng nói chung", ông Tuấn cho hay.
Thiếu nơi giữ xe trầm trọng là vấn đề được ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND phường 14, quận Tân Bình, đặt ra tại hội nghị. Ông cho biết không ít nơi để xe sau một thời gian ngắn hoạt động thì "biến tướng", người quản lý tự ý sử dụng nhà xe vào mục đích khác.
Dù cư dân nhiều lần phản ánh và cơ quan quản lý tại địa phương cũng liên tục kiến nghị lên HĐND, UBND quận song tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra mà chưa có hướng xử lý triệt để.
Thảo Điền là khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Trao đổi về các phản ánh của lãnh đạo địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp để nâng cao công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng hiện TP.HCM đang quản lý chung cư theo kiểu cũ, tức phải có người, phải có gặp gỡ mới là quản lý. Ông nhận định thành phố cần tính toán quản lý theo kiểu mới, áp dụng khoa học công nghệ.
Cụ thể, ông Hoan đề xuất nên quản lý chung cư như khách sạn, nghĩa là khi có người ra, vào thì ghi nhận và lưu lại để quản lý. Khi cần, cơ quan chức năng có thể dễ dàng trích xuất dữ liệu, xử lý nhanh chóng.
Thu quỹ để bảo trì camera an ninh
Đó là kiến nghị của bà Bùi Thị Hồng Quế, Chủ tịch UBND phường 19 (quận Bình Thạnh). Bà Quế đề xuất UBND trình HĐND thành phố xem xét thu quỹ giống quỹ an ninh quốc phòng năm 2015 nhằm tạo nguồn thu để bảo trì, sửa chữa camera an ninh.
Đề xuất này bắt nguồn từ thực tế khi camera an ninh khu vực hỏng, việc vận động kinh phí sửa chữa rất khó khăn dù trước đó bà con rất nhiệt tình đóng góp kinh phí lắp đặt. "Chỉ khoảng 50% người dân đồng ý đóng tiền sửa chữa nên khi camera hỏng rất khó khắc phục", bà Quế thông tin.
Hiệu quả của hệ thống camera giám sát được nhiều lãnh đạo phường, xã quan tâm. Ảnh: Thu Hằng. |
Về vấn đề camera giám sát, ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND phường 14 (quận Tân Bình), cho rằng hệ thống này chưa phát huy hết hiệu quả do thiếu cơ chế sử dụng hình ảnh để xử lý vi phạm. Lãnh đạo phường 14 cho biết nhiều quận, huyện đã triển khai ứng dụng trực tuyến nhưng hình ảnh người dân cung cấp chỉ giúp cơ quan chức năng kiểm tra, không bắt quả tang vẫn không thể xử lý.
Từ đó, ông đề xuất UBND thành phố sớm hướng dẫn quy trình sử dụng hình ảnh từ camera để phạt nguội các vi phạm về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Giải đáp vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận số lượng camera của thành phố rất nhiều nhưng chỉ số ít đủ tiêu chuẩn để xử phạt. Hiện, chỉ có ngành công an và một số đơn vị được Nhà nước quy định mới có thẩm quyền sử dụng dữ liệu từ camera để xử phạt.
"Các cơ quan, tổ chức trước mắt thông qua hình ảnh từ camera để cảnh giác, ngăn ngừa, răn đe là chủ yếu. Còn muốn xử phạt thì phải có quy định pháp lý cụ thể", ông Tuyến thông tin.