Thông báo từ chức của ông Richard Pilger được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr, một thân tín của ông Trump trong nội các, cho phép công tố viên liên bang điều tra các cáo buộc do đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump thúc đẩy.
Đây được xem là hành động đi ngược lại chính sách "không can thiệp" của Bộ Tư pháp trong 40 năm qua, theo CNN.
Người ủng hộ Tổng thống trump gây sức ép tại điểm kiểm phiếu ở Detroit ngày 4/11. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, bộ này không điều tra những hành vi gian lận bầu cử cho đến khi sự kiện này kết thúc và kết quả kiểm phiếu được nhà chức trách xác nhận.
Chính sách nêu trên nhằm tránh gây hiểu nhầm rằng Bộ Tư pháp tìm cách tác động lên kết quả bầu cử, qua đó có lợi cho tổng thống đương nhiệm.
"Sau khi hay tin về chính sách mới và những hệ lụy, tôi rất tiếc khi mình phải rời khỏi vị trí Giám đốc Bộ phận Tội phạm Bầu cử", ông Pilger nói.
Ông Pilger là một công tố viên nhiều kinh nghiệm của Bộ Tư pháp Mỹ. Trong email trao đổi với các đồng nghiệp, Pilger nói ông sẽ chuyển sang một vị trí khác không mang vai trò giám sát và tập trung vào điều tra tham nhũng.
Trước đó, trong thư gửi các công tố viên liên bang ngày 9/11, ông William Barr đề nghị họ không để bị cuốn theo những cáo buộc "mơ hồ hoặc thiếu cơ sở".
Tuy nhiên, ông Barr cho rằng việc điều tra "có thể được thực hiện nếu cáo buộc là rõ ràng, có vẻ đáng tin cậy, có tiềm năng tác động đến kết quả bầu cử tại một bang".
Dựa trên thống kê bỏ phiếu, các hãng truyền thông lớn của Mỹ ngày 7/11 tuyên bố cựu Phó tổng thống Joe Biden đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Đội ngũ của Tổng thống Donald Trump đã khởi kiện tại nhiều bang.
Cũng trong ngày 9/11, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa - tuyên bố ông Trump có quyền không thừa nhận kết quả bầu cử và kiện ra tòa. Ông cho rằng điều này phù hợp với hiến pháp Mỹ.
Theo New York Times, ông Barr đã gặp Thượng nghị sĩ McConnell trước khi cho phép các công tố viên tiến hành điều tra những cáo buộc gian lận bầu cử.