Trong một bài phỏng vấn với AP ngày 27/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chính phủ và các lực lượng vũ trang của Afghanistan đã đủ sức mạnh để tự đứng vững trên đôi chân của mình mà không cần quân đội quốc tế chống lưng. Phát ngôn được đưa ra trong thời điểm quân đội NATO đang rút khỏi Afghanistan sau gần hai thập kỷ triển khai.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg theo dõi cuộc tập trận Steadfast Defender 2021 trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: AP. |
NATO đã phụ trách các vấn đề an ninh ở Afghanistan từ năm 2003, hai năm sau khi liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban vì chứa chấp thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng NATO ở Afghanistan chỉ còn 9.000 người, trong đó có tới 3.500 binh sĩ Mỹ. Dự kiến toàn bộ lực lượng này sẽ rời đi muộn nhất vào ngày 11/9.
“Tôi nghĩ người Afghanistan cũng nhận ra rằng NATO đã duy trì sự hiện diện ở đó 20 năm. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, máu và nước mắt ở Afghanistan”, ông Stoltenberg nói với AP trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
“Afghanistan đã đi được một chặng đường dài. Họ đã xây dựng được một lực lượng an ninh mạnh mẽ, có năng lực và đã đạt được nhiều tiến bộ kinh tế, xã hội. Đến một vài thời điểm, người Afghanistan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hòa bình và ổn định ở đất nước mình”, ông nhận định.
Tuy nhiên, sau khi quân đội NATO có kế hoạch rời đi, phần lớn Afghanistan lại trở thành vùng đất tranh chấp. Chính quyền Kabul nắm giữ quyền lực ở các khu vực thành thị. Trong khi đó, Taliban thống trị vùng nông thôn. Một số cuộc giao tranh nặng nề nhất trong năm nay đã diễn ra chỉ vài ngày trước ở tỉnh Laghman, phía đông Afghanistan.
Ông Stoltenberg cho biết các nước NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan thông qua các chuyên gia dân sự. Những người này sẽ cố vấn cho các bộ của chính phủ Kabul. NATO sẽ tài trợ cho lực lượng an ninh và hỗ trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kabul và Taliban.
Ngoài ra, NATO cũng đang xem xét cung cấp một số khóa huấn luyện ở nước ngoài cho các lực lượng an ninh Afghanistan.
Nhiều quan chức bày tỏ sự lo ngại rằng một khi Mỹ rời đi, lực lượng Taliban sẽ vượt mặt chính quyền Kabul. Tình trạng leo thang căng thẳng đã trở lại trong những tháng gần đây.
Khi được hỏi về tác động của việc rời Afghanistan, ông Stoltenberg thừa nhận rằng “có những rủi ro dẫn đến quyết định chấm dứt sứ mệnh quân sự của NATO tại Afghanistan. Chúng tôi đã rất minh bạch, rõ ràng và nhìn thẳng vào vấn đề”.
“Để tiếp tục ở lại, chúng tôi sẽ phải chấp nhận một số rủi ro khác như nguy cơ giao tranh nhiều hơn, buộc phải tăng quân số và có nguy cơ phải tiếp tục nhiệm vụ quân sự”, ông nói.
Các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đang đau đầu với mệnh lệnh của Tổng thống Joe Biden khi phải rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan vào tháng 9. Đồng thời, quân đội Mỹ sẽ giúp đỡ các lực lượng Afghanistan và tiếp tục theo dõi chặt chẽ Taliban.
Ông Biden và Stoltenberg sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác của NATO vào ngày 14/6. Cuộc gặp được hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm đầy biến động dưới chính quyền Trump. Một trong những vấn đề quan trọng nhất được đưa vào chương trình nghị sự chính là Afghanistan.
Nhiều binh sĩ NATO sẽ rời khỏi Afghanistan sau khi các nhà lãnh đạo gặp nhau. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cộng thêm Canada, đều dựa vào sự hỗ trợ hậu cần và vận tải của Mỹ để hoạt động ở Afghanistan.