Ăn cỗ lấy phần được xem là thói quen lâu đời của người dân vùng Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định) và một số tỉnh lân cận. Con trẻ ở nhà thường mong ngóng người lớn đi ăn cỗ mang về cho thịt gà hay nắm xôi.
"Ngày xưa vợ đi ăn cỗ, chồng ở nhà đã chuẩn bị sẵn cút rượu với rau thơm", lời một vị cán bộ huyện Giao Thủy chia sẻ với Zing.vn.
Mâm cỗ ở một số vùng nông thôn Nam Định luôn có sẵn những túi nylon nhỏ để khách gói đồ ăn mang về nhà. Ảnh: Cắt từ clip. |
Tuy nhiên gần đây, xã Giao Long (huyện Giao Thủy) đã đưa ra yêu cầu phạt tiền những gia đình làm cỗ nếu để khách lấy phần.
Theo đó, các cặp đôi khi đăng ký kết hôn sẽ đặt cọc cho xã một khoản tiền (3 triệu đồng). Trong quá trình tổ chức lễ cưới, nếu để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần sẽ bị xử phạt, trừ vào số tiền đã cọc.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy, xác nhận trên địa bàn huyện có một số xã quy định phạt việc ăn cỗ lấy phần.
"Quy định này xuất phát từ nghị quyết của Ban thường vụ huyện ủy về tăng cường quản lý nhà nước trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ,... Từ đó, chúng tôi đưa ra cuộc vận động "làm cỗ đủ ăn" và "ăn cỗ không lấy phần", ông Mạnh giải thích.
Theo ông Mạnh, việc ăn cỗ lấy phần không sai nhưng cỗ làm la liệt ăn không hết, mỗi người nhón một tí tạo ra hình ảnh không văn minh. Theo pháp lệnh dân chủ cơ sở, người dân trong một số xã được trưng cầu ý kiến, họp bàn rồi đưa ra HĐND xã quyết định việc ăn cỗ không lấy phần.
Bước đầu để đi vào kỷ cương, một số xã yêu cầu các cặp đôi lên đăng ký kết hôn đặt cọc trước một khoản tiền. Nếu chấp hành nghiêm quy định thì được trả lại tiền luôn, còn nếu không chấp hành thì tiền đó đưa vào quỹ xây dựng địa phương.
"Sau khi thực hiện, chúng tôi cũng lăn tăn, cho rằng địa phương không nên làm như vậy. Thay vì xử phạt, chủ yếu nên tuyên truyền, vận động nhân dân bằng lòng tự giác, ý thức trách nhiệm", ông Mạnh nói.
Lãnh đạo huyện Giao Thủy cho biết nhiều xã đã bỏ việc xử phạt. Quan điểm của huyện là nếu còn xã nào áp dụng thì tới đây cũng yêu cầu bỏ hết.