Trong lúc Quảng Ngãi gấp rút lập hồ sơ để trình UNESCO tháng 11 tới, nhiều chuyên gia đề xuất sớm loại bỏ khu công nghiệp, khu kinh tế ra ngoài tránh gây tổn hại lâu dài cho công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Đại công trường ở Khu kinh tế Dung Quất, nơi Thủ tướng quy hoạch phát triển trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, đô thị công nghiệp dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tỉnh Quảng Ngãi công bố quyết định mở rộng công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh lên đến 4.600 km2 bao gồm: Huyện đảo Lý Sơn, Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất), Sơn Tịnh (KCN VSIP, Tịnh Phong), Trà Bồng, Sơn Hà, TP Quảng Ngãi, và các xã ven biển các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản), cho hay việc đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh nguy cơ phá hỏng môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Liệu di sản có bị khu công nghiệp phá nát?
Ông Hoàng cho rằng nếu quyết đưa các khu kinh tế, khu công nghiệp vào công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh thì liệu có ai dám cam đoan với UNESCO giữ nguyên hiện trạng; các dự án không xảy ra sự cố môi trường trong tương lai? Trong khi đó, giá trị cốt lõi của công viên toàn cầu trọng tâm thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát triển bền vững. Việc lập hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trình UNESCO không thể "cố đấm ăn xôi" mà phải hết sức thận trọng.
"Theo định kỳ, sau 4 năm được công nhận công viên địa chất toàn cầu, UNESCO sẽ xem xét, đánh giá lại. Nếu họ phát hiện công viên địa chất bị xâm hại thì sẽ cắt danh hiệu ngay", ông Hoàng nói.
Dấu tích miệng núi lửa ở vùng biển gần bờ Ba Làng An, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản, nêu rõ quan điểm nếu để khu kinh tế, khu công nghiệp vào công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh thì "không ích lợi".
"Trong khu kinh tế, khu công nghiệp về lâu dài sẽ thu hút đầu tư, phát triển thêm ngành nghề. Chẳng lẽ mỗi lần trình duyệt dự án, doanh nghiệp phải xin ý kiến thì phát sinh nhiều phức tạp. Do vậy, tôi cho rằng cần đưa các khu kinh tế, khu công nghiệp ngoài khu vực công viên địa chất thì ổn hơn", ông Văn chia sẻ.
Xung đột phát triển công nghiệp với bảo tồn di sản
Theo quy hoạch chung, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh xây dựng Khu kinh tế Dung Quất rộng hơn 435 km2. Dự kiến đến năm 2025, Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, trung tâm đô thị công nghiệp dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ít nhất khoảng 2.500 hộ dân khu vực này phải di dời nhà cửa để nhường đất xây dựng các dự án lớn.
Ông Nguyễn Trần Bình, chuyên gia kinh tế phát triển Quảng Ngãi, khẳng định vừa phát triển công nghiệp (nhiều loại chất thải, khí thải, khói bụi...) vừa bảo tồn, gìn giữ di sản thì khó thể khả thi.
"Quảng Ngãi không thể cùng lúc chọn cả hai mà cần phải cân nhắc, tính toán để tránh phát triển "xung đột" khi đưa khu công nghiệp, khu kinh tế vào công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh", ông Bình khuyến cáo.
Di sản địa chất núi lửa gắn liền với nhiều bãi biển đẹp ở khu vực đô thị Vạn Tường, Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo các chuyên gia, công viên địa chất tìm kiếm sự trợ giúp của UNESCO để khuyến khích phát triển kinh tế xã hội bền vững về văn hóa và môi trường. Điều này có tác động trực tiếp đến các khu vực liên quan bằng cách cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường nông thôn.
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa chất - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cho hay di sản địa chất Quảng Ngãi ví như bảo tàng thiên nhiên núi lửa biển. Đây là nguồn tài nguyên quý cần được khai thác phục vụ phát triển du lịch, lặn biển, khám phá núi lửa biển mở ra cơ hội cải thiện cuộc sống người dân nơi đây.
"Nếu hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế nằm trong công viên địa chất thì nguồn tài nguyên quý dễ bị xâm hại. Việc lập hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trình UNESCO cũng khó được chấp nhận", ông Minh bộc bạch.