Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh 'ôm' cả khu công nghiệp?

Trước thông tin công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được điều chỉnh lên 4.600 km2, nhiều chuyên gia lo ngại môi trường các khu kinh tế, công nghiệp sẽ phá hỏng giá trị di sản.

Tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố phạm vi công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được điều chỉnh mở rộng lên đến 4.600 km2 trải dài 9 huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Trà Bồng, TP Quảng Ngãi và các xã ven biển Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ. 

Công viên địa chất này được điều chỉnh mở rộng phạm vi trên đất liền hơn 2.000 km2, dân số khoảng 900.000 người và hơn 2.600 km2 mặt nước.

Trong khi đó, Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện và dự kiến nộp hồ sơ Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho UNESCO tháng 11 tới.

Dia chat Ly Son - Sa Huynh anh 1
 Di sản địa chất xã An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Không nước nào quy hoạch khu công nghiệp vào công viên địa chất

Trước thông tin mở rộng công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo cần cân nhắc kỹ khi đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào khu vực này.

Giáo sư Ryuichi Shinjo, Đại học Ryukyu, Okinawa (Nhật Bản), quả quyết không thể đưa các khu kinh tế, khu công nghiệp vào trong công viên địa chất. Không nước nào làm như vậy. Công trường, các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không liên quan đến vấn đề bảo tồn, bảo tàng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của công viên địa chất toàn cầu. 

Theo các chuyên gia, xét về quy mô và giá trị di sản, phạm vi đảo Lý Sơn và vùng phụ cận Bình Châu khó có khả năng đáp ứng đủ điều kiện để UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Sau thời gian dài khảo sát, các chuyên gia đề nghị mở rộng phạm vi công viên bao trùm huyện đảo Lý Sơn, Bình Sơn (bao gồm Khu kinh tế Dung Quất), Sơn Tịnh (KCN VSIP, Tịnh Phong), Trà Bồng, Sơn Hà, TP Quảng Ngãi, và các xã ven biển các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ.

Việc mở rộng diện tích công viên địa chất toàn cầu lên đến 4.600 km2 bao gồm nhiều giá trị di sản đa dạng phong phú về địa chất, văn hóa, lịch sử, cảnh quan và khả năng được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu sẽ cao hơn. Tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp dễ phá hỏng công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. 

Dia chat Ly Son - Sa Huynh anh 2
Toàn cảnh Khu kinh tế Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Hoàng.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) lo ngại việc đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh nguy cơ phá hỏng môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

"Các khu kinh tế, khu công nghiệp - nơi tập trung các nhà máy lọc dầu, luyện thép, đóng tàu... với nhiều loại chất thải, khí thải nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng không thể dễ dãi cho vào, tránh gây tổn hại cho công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh", ông Hoàng nói. 

Theo vị chuyên gia này, giá trị cốt lõi của công viên toàn cầu tập trung vào 15 lĩnh vực trọng tâm nhằm thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát triển bền vững. Mục tiêu của chương trình này là bảo tồn di sản địa chất và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm hiểm họa về địa chất, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hóa, giáo dục, lưu giữ các kiến thức địa phương và bản địa...

Lo ngại bị thu hồi danh hiệu 

PGS -TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản, cho rằng hoạt động các khu kinh tế, khu công nghiệp không "dính dáng" gì đến công viên địa chất; du khách cũng ít ra, vào các nhà máy, xí nghiệp.

Dia chat Ly Son - Sa Huynh anh 3
 Khu vực đô thị Vạn Tường, Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng.

"Theo tôi, cơ quan chức năng cần đưa các khu kinh tế, khu công nghiệp ra ngoài công viên địa chất tránh gây phiền toái về sau. Nếu cho vào công viên địa chất thì phải có cơ chế buộc các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường", ông Văn nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, bày tỏ quan điểm việc mở rộng diện tích công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là cần thiết vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa tăng số lượng cư dân được hưởng lợi.

Khi lập hồ sơ vùng di sản có hàng loạt danh lam thắng cảnh trải dài ven biển, đảo, trong đó có nền văn hóa Sa Huỳnh niên đại từ 2.000 đến 3.000 năm được thế giới biết đến từ lâu thì UNESCO dễ công nhận công viên địa chất toàn cầu hơn.

"Theo tôi, các khu kinh tế, khu công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tổn hại cho sự phát triển bền vững thì nên khoanh vùng lại, không đưa vào công viên địa chất. Theo quy định, cứ sau 4 năm, UNESCO sẽ xem xét, đánh giá định kỳ. Nếu họ xét thấy di sản bị xâm hại, không đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững nữa thì sẽ thu hồi danh hiệu công viên địa chất toàn cầu", tiến sĩ Vũ chia sẻ. 

Mở rộng công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh lên 4.600 km2

Nhằm đáp ứng tiêu chí về diện tích, Quảng Ngãi thống nhất điều chỉnh phạm vi công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh lên 4.600 km2 để lập hồ sơ trình UNESCO vào tháng 11 tới.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm