Bên lề Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội hai khóa chia sẻ với Zing.vn nhiều suy nghĩ về lãnh đạo mới của thủ đô.
- Trong báo cáo chính trị, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị nhìn nhận, trong các nhiệm vụ chủ chốt có mặt còn yếu kém và Đảng bộ Hà Nội khóa XV lẽ ra có thể còn làm tốt hơn. Theo ông, trong 5 năm tới, Đảng bộ thành phố sẽ phải giải quyết những thách thức nào?
- Hà Nội là thủ đô, là trung tâm của cả nước nên phải đi đầu. Nhưng đi đầu cái gì? Trước hết, đó là xây dựng được Đảng bộ có trí tuệ, tri thức, phát huy khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân; chống và khắc phục cho được tham nhũng, tiêu cực, những hạn chế, khuyết điểm của khóa này. Đây là cơ sở để thực hiện mọi nhiệm vụ. Trong đó nhân tố con người là quan trọng nhất.
Tôi mong Đại hội sẽ lựa chọn và mong Bộ Chính trị quan tâm quyết định cán bộ chính xác, có tầm, có tâm, có tín nhiệm với dân, có đủ trình độ lãnh đạo thủ đô.
Ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Thứ hai, thủ đô nhất định phải đạt cao các chỉ tiêu để đạt yêu cầu CNH, HĐH sớm chứ nói cơ bản mãi thì không nên. Đời sống nhân dân phải phấn khởi, làm cho ai cũng vui khi được sống ở thủ đô.
Ông Phạm Thế Duyệt (sinh năm 1936) là Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1988 tới 1996, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Thứ ba, đó là phải làm thế nào để Hà Nội phối kết hợp chặt với các địa phương, tranh thủ tốt sự lãnh đạo của trung ương, sự giúp đỡ của bộ ngành để đảm bảo phát huy vị trí trung tâm chính trị, văn hóa xã hội và đi đầu cả về kinh tế.
Đặc biệt, về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị - đối với thủ đô, đây là yêu cầu rất cao. Tôi tin Đại hội nhất định sẽ bàn để thực hiện các yêu cầu đó.
- Với những thách thức đó, lãnh đạo của Hà Nội cần có phẩm chất gì?
- Theo tôi có 2 đòi hỏi thôi. Thứ nhất, bản lĩnh chính trị phải vững vàng, đạo đức tư cách gương mẫu, cần - kiệm, được dân yêu mến.
Thứ hai, lãnh đạo phải có trình độ, kể cả lý luận lẫn thực tiễn, không có thực tiễn không làm nổi. Cho nên, điều cốt yếu là làm thế nào để chọn được người có lý luận, có trình độ, có thực tiễn để lãnh đạo thủ đô.
Ông Phạm Thế Duyệt nói về yêu cầu phẩm chất đối với lãnh đạo Hà Nội. |
Người dân thủ đô đòi hỏi rất nghiêm túc đối với vị trí lãnh đạo thành phố. Đó phải là người rất tiêu biểu, gương mẫu.
- Nhiều đảng bộ địa phương nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu được những lãnh đạo trẻ. Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng số lượng cán bộ trẻ trong bộ máy, theo ông, nhân tố này sẽ đóng góp thế nào vào sự phát triển của thủ đô?
- Tôi cho đó là quy luật, “tre già măng mọc”. Thế hệ trẻ nhất định phải nối tiếp thế hệ trước.
Trong suy nghĩ của mình, tôi rất tin tưởng anh em tuổi ít và có trình độ. Có điều, trong việc lựa chọn cán bộ trẻ phải hết sức lưu ý những người đã có đủ sự trưởng thành, đủ thực tiễn và kinh nghiệm để gánh vác công việc đồng thời đủ tín nhiệm, chứ không phải trẻ hóa đơn thuần theo nghĩa tuổi tác.
- Là người đứng đầu đảng bộ Hà Nội nhiều năm, ông đặt tin tưởng gì với đội ngũ lãnh đạo mới của thành phố trước những thách thức đang đặt ra?
- Tôi tin tưởng với báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của thành ủy nghiêm túc, thẳng thắn trước đại hội như vậy thì chắc chắn sẽ lựa chọn được những cán bộ gánh vác được công việc.
Trong suy nghĩ của tôi, Hà Nội là thủ đô của cả nước nên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương có trách nhiệm lớn. Trung ương cần sát sao để thủ đô có lãnh đạo khóa mới xứng tầm, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân thủ đô và cả nước, là tấm gương đối với tất cả tỉnh, thành trong cả nước.
Trong hôm nay, các đại biểu sẽ bỏ phiếu bầu ban chấp hành Đảng bộ khóa tới của thành phố. Tôi chúc mừng anh em sẽ trúng cử và mong anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ của báo cáo chính trị đã đề ra.
Ba khâu đột phá được Đảng bộ Hà Nội xác định trong 5 năm tới:
1. Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
2. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.