Sáng 1/11, Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI sẽ khai mạc - với kỳ vọng mang đến những đột phá, đưa thủ đô phát triển, văn minh, hiện đại trong 5 năm tới.
Trước thềm Đại hội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chia sẻ, Hà Nội đã thay đổi diện mạo trong 5 năm vừa qua. Tổng sản phẩm bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2015 ước đạt 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với 2010. Hàng loạt dự án lớn hoàn thành như Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài; đường vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy…
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn khá nhiều việc làm chưa tốt, hoặc còn có thiếu sót, tập trung vào 3 vấn đề: tăng trưởng kinh tế, quy hoạch đô thị và chất lượng nguồn nhân lực.
Bẫy thu nhập trung bình
Theo chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 sẽ đạt 140-150 triệu đồng, tương đương 6.700 - 6.800 USD/năm; thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 45 triệu đồng. Dịch vụ sẽ chiếm tới 61-62%, công nghiệp – xây dựng 35-36,5%, nông nghiệp 2,5-3% GDP.
Nếu chỉ xét riêng về mức độ tăng trưởng thu nhập bình quân thực tế của người dân, kinh tế thủ đô đang đứng trước thách thức lớn khi phải tăng gần gấp đôi so với con số giai đoạn 2011-2015 (3.600 USD - gấp 1,8 lần năm 2010).
Thế nhưng, bức tranh kinh tế năm 2020 của thủ đô không chỉ là thu nhập bình quân đầu người.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế trung ương chia sẻ: "5 năm tới là thời gian bản lề để kinh tế thủ đô tạo ra các tiền đề cho việc vượt bẫy thu nhập trung bình sau này. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng phải đi kèm với tái cấu trúc được kinh tế thủ đô, tạo dựng được nền tảng thể chế mới cho phát triển, đi đầu về cải cách…".
Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, Hà Nội là đầu tàu kinh tế của cả nước, lại là trung tâm chính trị, nếu không dẫn đầu về cải cách và tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập đem lại thì nền kinh tế khó thoát bẫy thu nhập trung bình.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - lại nhấn mạnh vào yếu tố hội nhập của kinh tế thủ đô. Ông chia sẻ, 5 năm tới, Hà Nội sẽ hội nhập rất sâu và rộng cùng với các hiệp định kinh tế mới mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một ví dụ. Sức ép của tái cơ cấu kinh tế, chuyển mạnh sang những ngành dịch vụ có chất lượng cao và hiện đại, công nghiệp có hàm lượng chất xám lớn… sẽ ngày càng leo thang.
"Với vị thế là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, Hà Nội của năm 2020 phải là thành phố của những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và giảm bớt những sản phẩm, dịch vụ ở mức trung bình, thấp, có thể chuyển về cho các địa phương khác", ông Dương phân tích.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, nếu năm 2020 chỉ tiêu thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 45 triệu đồng/người (bình quân toàn thành phố là 140-145 triệu) thì không thực hiện được mục tiêu giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn mà còn khiến phân biệt giàu nghèo thêm sâu.
Nhà siêu méo và ùn tắc giao thông
Được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, khâu đột phá, việc làm tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch là thách thức đối với thủ đô trong 5 năm tới.
"Quy hoạch đô thị lõi và 5 đô thị vệ tinh và phát triển giao thông" cũng đồng thời là nội dung trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng phê duyệt.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông của thủ đô vẫn chưa đạt 10% diện tích tự nhiên, trong khi để đảm bảo lưu thông thông suốt cho một đô thị, tỷ lệ cần thiết là 20%.
Hà Nội sẽ bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Năm năm qua, bộ mặt thành phố có sự thay đổi rõ rệt nhờ được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn hoàn tất như tuyến vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga quốc tế T2 Nội Bài. Ở khu vực nội đô, 7 cầu vượt được xây dựng, những dự án “treo” nhiều năm như đường nối Trần Phú - Kim Mã đã hoàn thành.
Hai tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng ở thủ đô. |
Trong 5 năm tới, thành phố tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung như giao thông; cấp, thoát nước; mạng lưới điện, viễn thông…
Giao thông Hà Nội là lĩnh vực được kỳ vọng tạo đột phá khi hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị (tàu điện nhẹ trên cao Cát Linh - Hà Đông và metro Nhổn - ga Hà Nội); các tuyến vành đai 1 và 2, trong đó có đoạn vành đanh 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… Bên cạnh đó là hệ thống quản lý giao thông và mạng lưới giao thông tĩnh, giao thông ngoại thành.
Tuy nhiên, với quy mô dân số tăng thêm một triệu dân trong 5 năm tới, đạt mốc 8 triệu, một trong những nhiệm vụ khó khăn là vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông. Trong khi đó, về tổng thể, hệ thống và kết cấu giao thông của thành phố chưa phát triển đầy đủ.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho giao thông của thủ đô vẫn chưa đạt 10% diện tích tự nhiên. Để đảm bảo lưu thông thông suốt cho một đô thị, tỷ lệ cần thiết là 20%.
Bên cạnh đó, quá trình giãn dân khu vực nội đô lịch sử còn thấp, việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành khiến việc đầu tư phát triển hạ tầng vốn tiêu tốn phần lớn ngân sách mất nhiều tác dụng.
Một thách thức khác đối với Hà Nội là quản lý đất đai, trật tự xây dựng - điều được đảng bộ thành phố nhìn nhận “còn yếu kém” trong nhiệm kỳ vừa qua. Ví dụ gần đây về dự án 8B Lê Trực, những dãy phố đầy nhà “kỳ dị, mỏng méo” cho thấy chính quyền sẽ còn cần nhiều nỗ lực hơn để tạo nề nếp cho bộ mặt thủ đô văn minh, hiện đại.
Chưa rõ hình hài kinh tế tri thức
Dự thảo Báo cáo chính trị của đại hội XVI chỉ rõ, để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, phát huy tối đa các nguồn lực xây dựng thủ đô là trung tâm tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu chuyển giao tri thức và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, sản phẩm ứng dụng công nghệ đạt khoảng 50% GDP, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 16-18%/năm.
Một góc sa bàn quy hoạch Hà Nội. |
Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2014, phần lớn trong 32 sản phẩm chủ lực được Hà Nội công bố lại là các sản phẩm truyền thống như cáp điện Trần Phú, đèn Rạng Đông, săm lốp Sao Vàng, khóa Việt - Tiệp... hay cột đo nhiên liệu điện tử, máy biến áp điện thế, máy biến áp 3 pha... mà thiếu các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.
PGS TS Phạm Xuân Hằng băn khoăn khi Hà Nội vẫn chưa chỉ ra được sản phẩm công nghệ cao nào của thành phố góp phần đạt 45% hay 50% GDP vào 5 năm tới.
Ông Hằng cho hay, để xác định được lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020, phải làm rõ hình hài kinh tế tri thức thủ đô hiện ra sao? Những lĩnh vực nào, ngành kinh tế nào cần được tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng và tỷ lệ hàm lượng khoa học, công nghệ cao cho sản phẩm công nghiệp và dịch vụ?
"Trả lời những câu hỏi đó là tạo tiền đề xác lập lộ trình phát triển kinh tế tri thức, nếu không chỉ là những mệnh đề quyết tâm chính trị mà thôi", PGS TS Phạm Xuân Hằng nói.
Đánh giá về lợi thế của thủ đô, GS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, Hà Nội có hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng với hàng vạn nhà khoa học, hàng nghìn nhà khoa học đầu ngành của các lĩnh vực; được đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao và các cơ sở KH&CN với tiềm năng mạnh.
Vì vậy, theo GS Tung, nếu khai thác, phát huy tốt nguồn lực trí tuệ này, nhất định Hà Nội sẽ phát triển kinh tế tri thức hiệu quả và bền vững. Còn ngược lại, đó sẽ là sự lãng phí nguồn lực to lớn.
“Đại hội XVI Đảng bộ thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng ta xác định chủ đề Đại hội là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Đây chính là quyết tâm phấn đấu, là ý chí, nguyện vọng, là yêu cầu đòi hỏi đặt ra đối với trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020” – Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.