Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội cần làm gì để thành đô thị hiện đại?

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng, Hà Nội cần ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc.

Tiến sĩ - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm gửi Zing.vn bài viết nhân dịp Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI:

Một trong những định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển của Hà Nội trong 5 năm tới (2015-2020) là “Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường... Tăng cường quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị”.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội cần coi quy hoạch là công cụ để quản lý chứ không phải ý chí của lãnh đạo. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hơi, khi đã được thể chế hóa, mọi ngành, mọi cấp phải nghiêm túc thực hiện. 

Giải quyết được nhiều việc khó

Năm 2008 thủ đô Hà Nội được mở rộng từ 954 km2 lên 3.540 km2, dân số lên tới 6,4 triệu người, trở thành một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Sau 3 năm mở rộng địa giới, tháng 6/2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của Hà Nội được phê duyệt. Đây là 2 quy hoạch cơ bản có tầm nhìn chiến lược của thủ đô

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của Hà Nội đã mở ra định hướng, tiềm năng mới cho phát triển.

Và giai đoạn 2010-2015 Hà Nội đã làm gần 160 quy hoạch. Tới năm 2015 về cơ bản, những quy hoạch đề xuất đã hoàn thành.

5 năm vừa qua, chỉ nói riêng về số lượng, quy hoạch của Hà Nội đã hơn 10 năm trước. Trong đó có nhiều quy hoạch tồn tại 15-20 năm với nhiều quan điểm khác nhau, nhưng Hà Nội đã làm được như quy hoạch Khu vực hồ Gươm, khu vực phố cổ, khu phố cũ.

Hồ Gươm
Quy hoạch khu vực hồ Gươm là một trong những thành công trong công tác quy hoạch của Hà Nội.  Ảnh: Duy Hiếu.

Các quy hoạch được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và phổ biến tới địa phương. Người dân và phương tiện thông tin đại chúng đều có thể giám sát, phát hiện các sai phạm trong. Điển hình là dự án 8B Lê Trực, hay vấn đề phòng cháy chữa cháy tại một số khu đô thị mới, vấn đề thiếu sân chơi tại nội đô…

Tạo lập diện mạo mới

Trong 5 năm vừa qua, Hà Nội đã hoàn tất những công trình mang dấu ấn như nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, đường trên cao tại vành đai 3, các cầu vượt thép ở nội đô...

Cách đây 15 năm, chúng tôi đã đặt ra vấn đề xây dựng nhà ga T2. Chỉ với 4 tầng với giải pháp kiến trúc rất chọn lựa, nhà ga T2 Nội Bài đã phát huy giá trị khi tạo nền tảng để sân bay Nội Bài trở thành nhà ga hấp dẫn.

Năm 2014, nhà ga T1 sân bay Nội Bài từng bị đánh giá là một trong những cảng hàng không tệ nhất. Nhưng vừa qua, trang Guide to Sleep in Airports bầu chọn Nội Bài ở vị trí 28 trong top 30 sân bay hàng đầu châu Á, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhà ga T2.

Năm 2014, nhà ga T1 sân bay Nội Bài từng bị đánh giá là một trong những cảng hàng không tệ nhất. Vừa qua, trang Guide to Sleep in Airports bầu chọn ở vị trí 28 trong top 30 sân bay hàng đầu châu Á.
Năm 2014, nhà ga T1 sân bay Nội Bài từng bị đánh giá là một trong những cảng hàng không tệ nhất. Vừa qua, trang Guide to Sleep in Airports bầu chọn Nội Bài ở vị trí 28 trong top 30 sân bay hàng đầu châu Á. Ảnh: Anh Tuấn.

Cận cảnh nhà ga 900 triệu USD hiện đại nhất Việt Nam

Nhờ số vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng, nhà ga hàng không T2 Nội Bài đã lọt vào danh sách những sân bay tốt nhất châu Á năm 2015.

Năm 2013,  Hà Nội chính thức thông xe toàn tuyến Dự án đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm. Đây là tuyến đường trên cao hiện đại nhất Hà Nội hiện nay.

Đường trên cao vành đai 3 được đánh giá có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của Hà Nội và các khu vực phụ cận, vừa phục vụ giao thông nội đô, giao thông liên vùng của thành phố và kết nối các đầu mối đường bộ như quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài...

Năm 2015, Hà Nội khánh thành cầu Nhật Tân -  cầu dây văng 5 nhịp hiếm có trên thế giới. Cây cầu không chỉ đảm bảo mục tiêu giao thông mà còn xứng tầm với thủ đô Hà Nội về mặt thẩm mỹ, văn hóa. Như vậy Hà Nội đã có nhận thức mới về kiến trúc, về các công trình giao thông, không chỉ đảm bảo công năng mà cả tính thẩm mỹ. 

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố. Ảnh: Phan Anh.

Hà Nội cũng chú trọng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Số lượng trường chuẩn quốc gia nâng lên.

Là đô thị có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, Hà Nội cũng từng bước giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Trong 5 năm vừa qua TP đã nhận diện nhiều di tích giá trị và nâng tầm Hà Nội thành một đô thị có chiều sâu. Chúng ta có hơn 5.200 di tích trên địa bàn thủ đô và gần 1.400 làng nghề, nhiều khu vực cảnh quan kỳ thú như hồ Gươm, hồ Tây, Ba Vì, Quan Sơn...

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Dù diện mạo Hà Nội cơ bản đã thay đổi trong 5 năm qua nhưng công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn một số hạn chế.

Ngoài quy hoạch chung, TP Hà Nội còn quy hoạch cấp quận huyện, thị xã, thị trấn, quy hoạch các ngành, quy hoạch các sản phẩm các ngành... Hệ thống này quá phức tạp, quá nhiều và thiếu đầu mối quản lý.

Vấn đề đặt ra chúng ta phải tích hợp các quy hoạch để tạo ra đồng bộ, thống nhất.

Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành còn chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ.

Ùn tắc giao thông trở thành thách thức lớn với thủ đô Hà Nội. Ảnh:  Lê Hiếu.
Ùn tắc giao thông trở thành thách thức lớn với thủ đô Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; trật tự, kỷ cương an toàn giao thông chuyển biến chậm; tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô lịch sử còn thấp. Môi trường sinh thái nhiều nơi còn ô nhiễm, nhất là ở một số sông hồ, làng nghề, cụm công nghiệp, chợ nông thôn...

Yếu tố xã hội hóa, xác lập vai trò của cộng đồng trong công tác quy hoạch cần được nâng tầm hơn nữa. Trong Luật Thủ đô nói về đại diện nhân dân, các tổ chức chuyên gia, xã hội nghề nghiệp. Mỗi loại quy hoạch đều phải có vai trò của cộng đồng, người dân nhưng chúng ta chưa cụ thể hóa.

Một vấn đề nữa là phải để cho người dân trực tiếp tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện. Có quy hoạch nhưng phải gắn với kế hoạch thực hiện. Việc phê duyệt các khu đô thị mới giao cho các chủ đầu tư nhưng thiếu giám sát. Vì thế, các chủ đầu tư chỉ xây nhà để bán chứ không hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhà trẻ trường học, sân chơi...

Hình thành Vùng thủ đô

Hà Nội đã xác đinh mô hình của mình là cấu trúc chùm đô thị, xây dựng thành phố xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, đồng bộ; tạo lập đô thị có sức cạnh tranh, có sức hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới.

Quy hoạch Vùng thủ đô được  Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những bài toán đặt ra với TP là ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị, tập trung phát triển giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Trong những năm tới, Hà Nội cần gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội, triển khai tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó các tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Giảng Võ); vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy), vành đai 2 trên cao (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); cải tạo, nâng cấp các trục đường hướng tâm như đường quốc lộ 6, trục đường Hoàng Quốc Việt kéo dài

Quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành.

Bên cạnh đó là hàng loạt nhiệm vụ như cải tạo, nâng cấp, phát triển các loại hình chiếu sáng; “ngầm hóa” các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố; sớm hoàn thành xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước. Xây dựng các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại; các nhà máy và hệ thống thu gom nước thải tập trung và các trạm xử lý nước thải cục bộ, đặc biệt ở các khu đô thị mới. Xây dựng, mở rộng một số nhà máy cấp nước...  

Thành phố cũng cần tiếp tục triển khai chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, kết hợp với chỉnh trang các đô thị cũ. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị; phấn đấu đưa tỷ lệ diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người toàn Thành phố đến năm 2020 đạt 29 m2/người và tập trung phát triển nhà ở xã hội.

Quy hoạch là công cụ quản lý

Quy hoạch phải là định hướng và phải là công cụ để quản lý. Quy hoạch không phải ý chí của lãnh đạo. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hơi, khi đã được thể chế hóa, mọi ngành, mọi cấp phải nghiêm túc thực hiện. Mỗi một nhiệm kỳ chỉ đặt ra một mục tiêu trong quy hoạch dài hạn để thực hiện.

Phải đổi mới hệ thống quy hoạch theo xu thế tích hợp quy hoạch, không nên tạo tra những quy hoạch chồng chéo, chồng lấn mà vẫn có kẽ hở. Quy hoạch cần gắn chặt chẽ với kế hoạch thưc hiện, nếu không sẽ khó cho quản lý, tạo ra quy hoạch treo.

Những thách thức với tân lãnh đạo Hà Nội

Tăng trưởng kinh tế, quy hoạch đô thị, chất lượng nguồn nhân lực là 3 bài toán mà các lãnh đạo Hà Nội phải giải quyết trong nhiệm kỳ 2015-2020.


Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm

Bạn có thể quan tâm