Phó chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh. |
Sáng 3/12, giải trình trước HĐND về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho hay, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý sai phạm, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu. Năm 2015, ngành nông nghiệp đã lấy 92 mẫu phân tích, phát hiện 1 mẫu nhập khẩu có dư lượng thuốc vượt mức tối đa cho phép.
Trong 5 năm, Hà Nội kiểm tra xử lý gần 6.700 vụ vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm; phạt hành chính hơn 32 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 37,7 tỷ. Riêng năm 2015, TP kiểm tra xử lý 1.320 vụ, phạt hành chính 8,66 tỷ, trị giá hàng hóa vi phạm gần 13 tỷ.
Theo ông Khanh, dù lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp kiểm tra nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phức tạp. Hiệu quả kiểm tra xử lý chưa cao.
"Các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc", ông Khanh nêu.
Cụ thể, phương thức vận chuyển thực phẩm thường vào ban đêm, hoặc gửi nhỏ lẻ trên các tuyến xe khách, trà trộn thực phẩm vào các kiện hàng đi kèm theo các xe.
“Mỗi ngày, hàng trăm các tuyến xe đi vào Hà Nội với khoảng thời gian khác nhau, việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn”, lãnh đạo thành phố trăn trở.
Qua kiểm tra, chỉ có 83% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt an toàn thực phẩm. Việc quản lý ATTP đối với các cơ sở thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn.
Theo vị Phó chủ tịch UBND, Hà Nội là thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, số cơ sở lớn, luôn biến động. Tại các khu vực ven đô, khu có người lao động thuê trọ, khu tập trung nhiều công trình xây dựng dở dang, nhiều quán ăn không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Những khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm với số người mắc đông.
Việc quản lý bếp ăn tập thể có chuyến biến tích cực nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng hoạt tại các khu công nghiệp.
Liên quan đến việc kiểm soát ATTP buôn bán chất cấm ngâm tẩm thực phẩm, ông Khanh cho biết, Sở Nông nghiệp đã phối hợp với UBND quận huyện và chính quyền địa phương rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Liên quan đến kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở kinh doanh, thành phố cho biết, hiện, trên địa bàn có 628 cơ sở, bao gồm 70 công ty sản xuất kinh doanh, 494 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Trong số 70 công ty, chỉ có 4 công ty xếp loại A, 3 công ty xếp loại B, 13 công ty xếp loại C, 28 công ty không đủ chỉ tiêu để đánh giá và 22 công ty hiện đang chờ kết quả phân tích mẫu.
Thành phố cũng kiểm tra xếp loại đối với 164 cửa hàng và không có cửa hàng loại A, 92 cửa hàng loại B và 72 cửa hàng loại C.