Sáng 31/10, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Sở TN-MT, chính quyền quận Liên Chiểu đối thoại với đại diện 300 hộ dân sống gần bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Đeo khẩu trang để ngủ
Nghe tin ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Giám đốc Sở TN-MT xuống tiếp dân, từ mờ sáng hơn 300 hộ dân đã có mặt tại khu sinh hoạt cộng đồng Khánh Sơn.
Bà Nguyễn Thị Thành (trú phường Hòa Khánh Nam) chỉ ra các đơn vị là "thủ phạm" gây ô nhiễm gồm: Công ty Quốc Việt, Công Ty Ánh Dương, Xí nghiệp Quản lý bãi rác và xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn...
Những công ty này đều có chức năng xử lý rác nhưng lại gây ô nhiễm môi trường. Không kể ngày, đêm, hàng chục chiếc xe tải nối đuôi nhau chở rác vào Khánh Sơn, rơi vãi khắp đường. Nước ô nhiễm rỉ ra khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Người dân bức xúc phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bà kể, hàng ngày, trừ lúc ăn cơm, người dân sống quanh bãi rác phải đeo khẩu trang. Cửa đóng cả ngày, nhưng mùi hôi thối vẫn bay vào khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Cùng chung bức xúc, bà Hồ thị Hiệp (trú phường Hòa Khánh Nam) kể, làng Khánh Sơn đã có từ 700 năm trước, yên bình và thơ mộng.
Nhưng từ khi có bãi rác Khánh Sơn, người dân phải "ăn ngủ chung" với mùi hôi. Tất cả 300 chiếc giếng khơi ở đây đã bị ô nhiễm không dùng được.
Bà còn nói, bây giờ các con, cháu đi học không dám nói nhà ở Khánh Sơn. Bởi mọi người nghe đến từ Khánh Sơn là nghĩ đến bãi rác chứ không ai tin đây là nơi ở của người dân "thành phố đáng sống".
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đối thoại với dân. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Nguyễn Thanh Tuấn kể, nhà có 2 đứa cháu bị bệnh viêm phổi. Đến Bệnh viện 600 giường khám, bác sĩ nói cháu bị viêm phế quản do ô nhiễm. Điều trị khỏi về nhà được ít hôm lại mắc bệnh. "TP Đà Nẵng thì đáng sống. Nhưng người dân Khánh Sơn thì đang chết dần", ông Tuấn nói.
Trường hợp bà Huỳnh Thị Nam bi thảm hơn vì có hai người trong gia đình bị mắc bệnh ung thư. "Tôi đã bị bệnh ung thư giai đoạn cuối rồi, sống chẳng được bao lâu nữa. Chồng tôi cũng vậy. Nhưng các con, cháu thì tương lai vẫn còn dài. Tôi xin lãnh đạo TP trả lại môi trường cho dân".
Sẽ đóng cửa các công ty gây ô nhiễm môi trường
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày trầm trọng. Những phản ánh của người dân là đúng. Lãnh đạo sở cũng biết và hiểu với nỗi khổ này.
Tuy nhiên, theo vị cán bộ khi TP càng phát triển thì lượng rác thải càng nhiều. Trước đây, rác được Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng chở lên bãi để chôn lấp.
Sau đó, rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt và tái chế. Nhưng do hạn chế về công nghệ cùng với việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các đơn vị xử lý vẫn xả thải ra môi trường.
Ông hứa sẽ giải quyết sớm nhất để người dân không phải sống chung với ô nhiễm.
Ông Dương Thành Thị (Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) chia sẻ sự chịu đựng, bức xúc của người dân trong thời quan là rất chính đáng.
"Ban đầu các công ty nói sẽ đầu tư xử lý rác khép kín, quận rất mừng nhưng không ngờ họ lại gây ô nhiễm ở Khánh Sơn như thế. Chúng tôi phải cử cả cán bộ về ăn ở cùng người dân, thực tế rất là ô nhiễm", ông Thị nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngay sau đại hội Đảng TP, đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã lên bãi rác Khánh Sơn để thị sát. Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng liên tiếp có 3 công văn yêu cầu các sở, ban ngành xử lý tình trạng ô nhiễm.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Điều đó chứng tỏ lãnh đạo TP rất quyết tâm xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, việc ô nhiễm quá lớn nên không thể giải quyết nhanh được. Mong bà con thông cảm".
Ông Tuấn chỉ đạo, Sở TN-MT phối hợp với UBND quận Liên Chiểu thành lập ngay tổ giám sát đặc biệt, gồm lãnh đạo sở, quận và mời người dân tham gia. Hàng ngày, mọi thành viên trong tổ phải xuống ở cùng dân để nắm tình hình. Giám sát chặt các đơn vị gây ô nhiễm để kịp thời xử lý.
"Các công ty xử lý rác thải mà gây ô nhiễm môi trường thì không thể chấp nhận được. Không nói nhiều, nếu họ không xử lý được thì cương quyết rút giấy phép và đóng cửa", ông Tuấn nói.
Vị cán bộ này cũng cho biết, nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2018 toàn bộ bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa. Lúc đó TP sẽ tiến hành khôi phục lại môi trường, thu gom nước rỉ và trồng cây xanh tại đây.
Ông giao Sở TN-MT phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành chức năng tìm vị trí mới để xử lý rác thải, trả lại không gian sống cho người dân phường Hòa Khánh Nam.