Thành phố Sầm Sơn vừa có đề xuất UBND Thanh Hóa cho phép dâng bánh giầy nặng 3 tấn tại Đền Hùng. Theo đó, chiếc bánh giầy nặng 3 tấn, đường kính 2 m là từ gạo nếp. Chiếc bánh này được làm hoàn toàn bằng xã hội hóa.
Nếu được UBND tỉnh cho phép, chiếc bánh giầy này sẽ được thành phố Sầm Sơn tổ chức rước và dâng lên Đền Hùng vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2018.
Không cần thiết
Trả lời Zing.vn, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khẳng định việc TP Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy nặng 3 tấn mang nặng tính hình thức và gây lãng phí. Đây là việc không cần thiết.
“Hôm qua (25/2), tôi đã trao đổi với Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa về vấn đề này. Giám đốc Sở cho rằng đây mới chỉ là đề xuất của địa phương. Sở Văn hóa tỉnh kiên quyết không đồng ý đề xuất này”, bà Thủy nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa khẳng định việc TP Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy 3 tấn mấy ngày qua gây dư luận không tốt bởi hiện Thanh Hóa còn nhiều người nghèo.
Chiếc bánh giầy 2 tấn của người dân Sầm Sơn làm năm 2017 phải dùng máy cẩu để vận chuyển đến lễ hội. Ảnh: N.D. |
Bà đã trực tiếp trao đổi với địa phương đề nghị số gạo đó nên dành để hỗ trợ người nghèo. Việc đó sẽ ý nghĩa hơn làm bánh giầy khổng lồ dâng lên đền Hùng.
Khơi mào cho thói đua đòi hư danh, hình thức
Dưới góc nhìn văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, cho biết việc dâng lên đền Hùng lễ vật khổng lồ không phải bây giờ mới có.
Ông còn nhớ năm 2008, một doanh nghiệp ở TP.HCM cũng đã dâng lên cặp bánh chưng, bánh giầy đường kính hàng mét ngày giỗ tổ.
Vua Hùng thấy con dân biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc nhau là mừng rồi, không cần bánh chưng, bánh giầy khổng lồ đâu
PGS.TS Nguyễn Quý Đức
Tuy nhiên, hết hội, người ta phát hiện bánh giầy độn xốp để cho đủ chiều cao và cân nặng. Đây là việc mang tính chất phô trương và sau đó dư luận rất bức xúc. Người dâng bánh phải lên tiếng xin lỗi.
PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định không chỉ vật liệu, công làm bánh mà tiền vận chuyển cũng rất lãng phí. Biết rằng hiện nay phương tiện phát triển, bánh 20 tấn cũng chuyển được nhưng đây là công việc phức tạp, tốn kém không cần thiết.
Ông Đức chia sẻ hai tấn gạo làm bánh để ủng hộ người nghèo, đói thì rất tốt. Bởi thực tế, người dân Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng chưa hẳn đã no đủ. Nhiều người dân Thanh Hóa nghèo đói, chưa có nhà cửa chắc chắn để ở.
“Vua Hùng thấy con dân biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc nhau là mừng rồi, không cần bánh chưng, bánh giầy khổng lồ đâu. Có lẽ số tiền, gạo đó phân phát cho người nghèo thì vua Hùng sẽ mừng hơn”, ông nói.
Năm 2016, Công viên Đầm Sen phải huy động 50 người với nhiều công đoạn gói, nấu bánh chưng nặng 2,5 tấn dâng quốc tổ Hùng Vương. Ảnh: Lê Quân. |
Chuyên gia văn hóa này khẳng định thực tế cho thấy bánh lớn như thế sau khi làm lễ xong thường không thể ăn được. Bởi thời tiết thời điểm giỗ Tổ nắng nóng nên dễ ôi thiu, thành ra vừa tốn kém và chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Việc làm lễ vật khổng lồ mấy năm qua đã khơi mào cho thói đua đòi theo hư danh, hình thức, lãng phí trong các lễ hội quan trọng của quốc gia.
Tại Nghệ An năm 2018, việc dâng bánh chưng nặng 500-700 kg lên mộ bà Hoàng Thị Loan đã bỏ vì bị dư luận phản ứng.
TP Sầm Sơn từng làm bánh giầy kỷ lục hơn 2 tấn
Vào tháng 3/2017, ngư dân Sầm Sơn đã góp tiền làm một chiếc bánh giầy kỷ lục, lớn nhất Thanh Hóa từ trước đến nay. Bánh được làm từ 1,8 tấn gạo nếp, đúc kết trong khung sắc có đường kính 2,17 m, cao gần 1 m.
Công đoạn làm bánh được dân địa phương cùng nhau thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công trong 2 ngày. Sau khi hoàn thành, chiếc bánh có trọng lượng hơn 2 tấn và được vận chuyển bằng xe tải đến đền Độc Cước.
Họ dâng bánh lên vị thần Độc Cước nhằm mong ước cho một năm mưa thuận gió hòa, ra khơi bình an, tàu thuyền đầy ắp tôm cá sau mỗi chuyến đi.