Trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, hàng nghìn người lại đổ về các ngôi chùa ở Hà Nội để cúng sao giải hạn. Người ta cho rằng mỗi người mỗi năm đều có một sao chiếu mệnh.
Những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình.
Tự 'cấy' nỗi sợ hãi vào bản thân
Trao đổi với Zing.vn, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng khi con người tin rằng trên đời có sao tốt, xấu, ngày đẹp, ngày xấu sẽ đánh mất niềm tin vào luật nhân quả. Việc cúng sao giải hạn là một quan niệm sai lầm.
Đầu năm, nhiều người đến chùa Phúc Khánh cúng sao giải hạn. Ảnh: Quang Huy. |
Việc tin có sao xấu, tốt, ngày giờ đẹp, xấu đồng nghĩa với mọi người tự ‘cấy’ nỗi sợ hãi vào bản thân. Từ đó, họ phải cúng bái mới được bình an. Họ đang bỏ tiền ra mua sự trấn an tâm lý.
Thượng tọa nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đến một thời điểm nào đó cũng cần có một công văn giống như việc cấm đốt vàng mã trong chùa của Giáo hội Phật giáo vừa đề xuất”.
Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM chia sẻ để vượt qua các nỗi sợ hãi, con người phải tăng cường sự hiểu biết về chân lý, khoa học hiện đại. Càng hiểu biết thì các niềm tin mang tính hù dọa sẽ không đủ sức gây ra nỗi ám ảnh đối với họ.
Cúng sao giải hạn của một bộ phận người dân hiện nay giống như vung tiền mua sự an ủi ảo
Giáo sư Trần Lâm Biền
Điều quan trọng nhất người phải tin vào nhân quả để tự răn mình, đề cao tính trách nhiệm trước các hành vi của mình. Người nào làm việc tốt, đạo đức tốt thì không bao giờ sợ hãi.
Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết việc dâng sao giải hạn xuất phát từ vùng Trung Cận Đông. Họ quan niệm từ trật tự của sao trời sẽ nhìn nhận được số phận của con người.
Cảnh tượng vừa diễn ra tối 23/2 (mùng 8 tháng Giêng). Người dân ngồi tràn từ trong ra bên ngoài cổng chùa Phúc Khánh lẫn lòng đường, vái vọng vào trong. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Mỗi người được sinh ra vào các giờ, ngày, năm khác nhau sẽ ứng với một trật tự sao trời khác nhau. Vì thế mỗi năm, mỗi người sẽ có sao chiếu mệnh.
Từ đó, nhiều người nghĩ đến việc làm sao để tránh sao xấu và hình thành tục dâng sao giải hạn đầu năm. Ông Biền nói rằng dâng sao giải hạn không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, nhiều khi đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây ra.
“Dâng sao giải hạn chỉ mang nghĩa là một sự an ủi chứ không giải thoát được những cái xấu, hưởng cái tốt”, giáo sư Biền khẳng định.
Hạn do con người tạo ra
Trả lời Zing.vn, Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phước Long (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho rằng trong kinh sách nhà phật không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho phật tử. Đối với phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như người ta lầm tưởng.
Dù dâng sao giải hạn, đi chùa cầu cúng nhưng làm việc phạm pháp thì thần thánh nào cứu được
Đại đức Thích Bản Quyền
Đại đức Thích Bản Quyền cho biết phúc lộc hay tai họa đều tuân theo luật nhân quả do con người tạo ra. Nếu làm việc thiện sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Cúng giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an.
Phật ở tại tâm, khi chúng ta có sự tôn kính, thành tâm thì nơi nào cũng có thể cầu nguyện, không bắt buộc phải đến chùa. Đôi khi người dân có những suy nghĩ trái với giáo lý nhà phật, nghe tên một ngôi chùa thiêng, họ kéo nhau đến đó cúng bái.
Các nhà sư khẳng định trong đạo phật không có sao xấu, tốt. Ảnh: Văn Chương. |
Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ nếu quan niệm chi càng nhiều tiền, giải được nhiều hạn thì người giàu sống lâu, nhiều sức khỏe còn người nghèo thì ngược lại. Cúng sao giải hạn của một bộ phận người dân hiện nay giống như vung tiền mua sự an ủi ảo.
Còn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo thì cho rằng sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm.
Mỗi con người trồng cây quả ngọt thì mình sẽ được hưởng quả ngọt. Trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, mình làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa. Không có sao và cũng không thể giải được sao.
Tiếp tay cho mê tín
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh đạo phật luôn chống lại những tập tục mê tín, dị đoan. Nhưng hiện nay vẫn còn một số cư sĩ phật giáo tiếp tay cho mê tín như các tập tục cúng sao, tổ chức xin xăm, cúng sao, xem tướng, xem ngày giờ tốt xấu. Việc này cần phải bị cấm.