Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Hành trình của cá chép đỏ tiễn Táo quân chầu trời

Theo tục cổ truyền của người Việt, hàng năm, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp về trời báo cáo mọi việc tốt, xấu của nhân gian.

HÀNH TRÌNH CỦA CÁ CHÉP ĐỎ TIỄN TÁO QUÂN CHẦU TRỜI

Theo tục cổ truyền của người Việt, hàng năm, ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp (cũng gọi là ông Công hay Táo quân) lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt, xấu của nhân gian.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 1

Làng nuôi bắt phương tiện chở Táo quân lên trời

Như nhiều gia đình ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vợ chồng Văn Quyết mua những chú cá chép nhỏ vàng óng có nguồn gốc từ làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Ngôi làng có gần 600 hộ dân sinh sống. Trong số này có tới 75% hộ nuôi cá chép đỏ.

Vào những ngày cận 23 tháng Chạp - Tết ông Công, ông Táo, người dân tất bật xuống ao thả lưới, bắt cá từ trước một tuần.

Tấp nập từng chiếc ôtô tải hoặc xe máy gắn hai bên hai thùng hàng nặng trĩu về đây mua cá. Họ là thương lái đến từ tỉnh thành Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang hay Hà Nội.

Ông Bùi Văn Khỏa là một trong những người có nghề nuôi cá chép đỏ lâu năm ở Thủy Trầm. Theo ông, riêng Phú Thọ năm nay được mùa cá chép đỏ, và được cả giá. Giá bán dao động khoảng 100.000 -120.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khá nhiều. Mỗi hộ nuôi cá chép ở Thủy Trầm thu nhập bình quân xấp xỉ 20 triệu đồng cả mùa.

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đến năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, đồng thời tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước.

Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm và bảo vệ thương hiệu này trên phạm vi toàn quốc. Đó là những điều kiện tạo động lực cho người dân nơi đây tiếp tục giữ vững nghề truyền thống và phát triển kinh tế.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 2

Chợ cá, đồ hàng mã trước ngày 23 tháng Chạp

Ba giờ sáng, lùm xùm trong bộ áo mưa dưới tiết trời lạnh 10 độ C, chị Hạnh (một tiểu thương chợ Hà Đông) có mặt ở chợ cá làng Sở Thượng (Yên Sở, Hà Nội) để mua 4 tạ cá chép cho ngày Tết ông Công-ông Táo. Do miền Bắc và nhiều nơi chịu ảnh hưởng của các trận bão, lũ, năm nay cá không được chất lượng như mọi năm. Giá cao hơn, cá đẹp cũng không nhiều nên chị Hạnh có ít sự lựa chọn.

Đó chỉ là một trong hàng trăm tiểu thương từ các nơi đổ về chợ đầu mối thủy sản lớn nhất miền Bắc để buôn bán cá chép. Nhiều người đánh hàng về các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hưng Yên… cũng có người mua để bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố.

Phổ biến nhất tại chợ Yên Sở là cá vàng, đỏ được đưa về từ các vùng Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định. Giá bán dao động 150.000-160.000 đồng/kg. Loại nào đẹp giá cao hơn. Những ngày cận 23 tháng Chạp, số lượng cá tăng lên gấp bội.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 6

20h ngày 22 tháng Chạp, cửa hàng tạp hóa của anh Bảy chị Hảo (chợ Thái Hà) vẫn tấp nập kẻ mua người bán. Mấy ngày hôm nay, anh chị mở cửa hàng từ 5h sáng đến gần hết đêm.

Tranh thủ lúc vắng khách, anh Bảy ăn vội miếng bánh mì lót dạ cho bữa tối: “Tính ra tôi cũng bán được hàng trăm bộ ông Táo. Giá cả và lượng khách cũng như năm ngoái thôi, được cái nhiều khách quen, mùng 1 hay ngày rằm họ vẫn qua chỗ tôi lấy hàng nên dịp này họ cũng ra mua đồ lễ”.

Chị Thủy (Hoàng Cầu) thì vội vã: "Cuối năm công việc bận rộn quá nên giờ này tôi mới có thời gian đi sắm đồ để ngày mai làm lễ sớm. Cũng may là đi muộn mà nhiều cửa hàng vẫn mở cửa, tôi đã kịp mua".

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 11

Những người tiểu thương tất bật từ sáng đến tối trong những ngày cận Tết, bữa ăn vội vàng, giấc ngủ chẳng đủ cơn, nhưng chỉ cần mua được mẻ cá đẹp như chị Hạnh, bán được nhiều hàng mã như anh Bảy chị Hảo, có một cái Tết ấm no bên gia đình. Có lẽ họ cũng chẳng cần gì hơn.

Lễ tiễn Táo quân ở một gia đình

“Anh ấy vắng nhà là bình thường, mỗi dịp ở nhà thực sự là điều đặc biệt. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm kết hôn anh ấy có mặt ở nhà để cúng ông Công ông Táo”, Huyền Mi mở đầu câu chuyện.

Mải miết lựa chọn thực phẩm cho mâm cỗ cúng ngày 23 tháng Chạp, vợ của cầu thủ bóng đá Văn Quyết bộc bạch: “Cứ dăm bữa nửa tháng anh ấy lại đi. Nếu ở nhà thì chồng tôi cũng đi tập từ sáng đến tối mới về, có những lần tranh thủ được buổi trưa về nhà đút cho con được thìa cháo xong lại chạy đi”.

“Hôm nay chồng không đi đá bóng à? Lại đây mua gì tẩm bổ cho chồng tôi bán rẻ cho”, tiếng một người bán thịt bò đon đả mời Mi mua hàng. Cô là khách quen của nhiều gian hàng tại phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa.

Có người quen Mi như một người nội trợ, cũng có người biết cô là vợ của một tuyển thủ bóng đá quốc gia. Do thực đơn ăn uống của chồng theo chế độ riêng nên dù bận mấy, Mi vẫn cố gắng tranh thủ đi chợ để mua đồ ăn tươi ngon nhất.

Hôm nay, Mi đi chợ khác với ngày thường. Người vợ trẻ chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công ông Táo nên có nhiều thứ cần mua hơn như xôi, giò, gà... Cô cũng mua thêm một cành đào nhỏ đặt trên ban thờ.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 21

Ngôi nhà khang trang trên phố Nguyễn Lương Bằng mới được đưa vào sử dụng 2 tháng gần đây, hôm nay bỗng rộn ràng hơn khi cả hai vợ chồng cùng Sóc - cậu con trai 2 tuổi đều có mặt ở nhà. Tranh thủ buổi trưa được nghỉ, Văn Quyết nhanh tay dọn dẹp ban thờ, bày biện mâm ngũ quả, mấy chai rượu vang cùng ít bánh kẹo.

Trong bếp, Mi tất bật luộc gà, xào rau, nấu canh, chuẩn bị mâm cỗ cúng Táo quân. Bé Sóc nhỏ chạy loăng quăng trong nhà, lúc thì đứng trước ban thờ chắp tay nghiêm chỉnh: “lạy cụ”, lúc lại qua xem mẹ nấu cơm. Tiếng cười thơ trẻ vang cả ngôi nhà.

Cẩn thận nhấc con gà ra khỏi nồi, Mi chia sẻ: “Cách luộc gà cúng sao cho thật đẹp, không bị nứt da là mình học được từ bố chồng và kinh nghiệm nấu nướng từ trước đến giờ. Trước hết đun một nồi nước sôi rồi mới cho gà vào, thêm củ hành tây. Khi gà gần chín thì lách lưỡi dao vào dưới đùi gà thật khéo để không bị lộ, khi ấy da gà sẽ có độ căng mà không sợ nứt”.

Mâm cỗ được nấu xong, Văn Quyết phụ vợ bê đặt bên ban thờ. “Mọi năm đều một tay vợ cáng đáng hết, mình ở xa cũng không giúp được gì. May mà vợ luôn hiểu và thông cảm”, anh gãi đầu, nói.

Đôi vợ chồng trẻ chưa thật sự quen với việc bày biện, thỉnh thoảng lại phát hiện ra thiếu đồ gì đó lại chạy đi mua, khi là ngọn nến, khi là ly rượu cúng… "Có quên như thế này thì những lần sau sẽ có kỷ niệm mà nhớ”, Mi cười nói.

"Ngày trước ở với mẹ mình vẫn hay cùng mẹ chuẩn bị các thứ cho ngày Tết nên cũng có một chút kinh nghiệm. Sau 3 năm làm vợ, mình đã bớt bỡ ngỡ hơn nhưng để được như mẹ mình bây giờ thì mình cần phải học hỏi nhiều hơn nữa", cô bày tỏ.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 26

Đối với Mi, việc chồng thường xuyên vắng nhà đi thi đấu là việc rất đỗi quen thuộc. Bảy năm yêu và lấy nhau là ngần ấy thời gian cô mong ngóng tin được về nghỉ Tết của anh.

Có những năm Quyết được nghỉ sớm từ 26 Tết, cả nhà cùng nhau về quê nội ở Thạch Thất. Có những năm đúng đêm giao thừa anh mới đáp chuyến bay muộn về nhà. Có những năm mùng 2 Tết anh đã lên đường.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 27

“Khi xác định lấy anh là mình đã biết điều này và sẵn sàng chấp nhận. Vì thế thời gian được ở cạnh nhau mình luôn trân trọng từng phút giây”, Mi nói, mắt nhìn chồng trìu mến.

Hết tuần hương, Văn Quyết mang cá chép đi thả ở hồ gần nhà. Sau đó anh trở lại đội để tiếp tục tập luyện.

Le cung Tao quan ngay 23 thang Chap anh 33

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm