Hoạt động bán hàng đa cấp đang có nhiều biến tướng, gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc trong dư luận. Ngay cả lãnh đạo Bộ Công Thương cũng từng bị các doanh nghiệp đe dọa và mua chuộc khi bị điều tra xử lý.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 2 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo Bộ Công Thương, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp không đơn giản do lợi nhuận quá lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Tính đến đầu tháng 9/2016, có 50 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 17 doanh nghiệp so với năm 2015, với doanh thu 4.000 tỷ đồng. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm gần 60% với gần 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ ngay cả lãnh đạo Bộ cũng từng nhận được các cuộc điện thoại đe dọa hoặc mua chuộc từ các công ty đa cấp bị xử lý vi phạm nghiêm trọng hoặc thường xuyên sai phạm.
Thực hiện Chỉ thị 02, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp, với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của 9 doanh nghiệp.
Trong khi đó, các Sở Công Thương kiểm tra phát hiện 26/48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng. Các Chi cục Quản lý thị trường cũng kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận; tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo “chui”; không niêm yết giá hàng hóa theo quy định; vi phạm về nhãn hàng hóa và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Các ý kiến tại hội nghị cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 42 về hoạt động kinh doanh đa cấp, các quy định hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, khiến loại hình kinh doanh này vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới song lại bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận.
Bộ Công Thương cho biết, hiện đang rà soát những quy định còn bất cập để sửa đổi Nghị định 42 theo hướng siết chặt hơn nữa loại hình kinh doanh này để trình Chính phủ vào tháng 11 tới.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương cho biết, trong Nghị định mới thay thế Nghị định 42 sẽ có nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động này.
Theo đó, đối với việc ký quỹ, phải có mức tối thiểu như 10-20 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, doanh số hoặc hệ thống trả hoa hồng càng lớn, quy mô càng lớn thì tỷ lệ ký quỹ càng cao. Cơ quan Nhà nước sẽ phối hợp doanh nghiệp kể kiểm tra định kỳ hàng năm.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: "Vấn đề trả thưởng, hoa hồng cũng phải được điều chỉnh. Có nhiều sửa đổi tương đối lớn liên quan đến hành vi vi phạm đến bán hàng đa cấp. Cần phải phân định rõ hành vi nào là chủ yếu cơ bản để thu hồi xử lý ngay".
Một điểm nữa cần phải lưu ý là tính địa bàn, địa phương của doanh nghiệp đó. Chẳng hạn hoạt động thành lập ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng hoạt động trải dài trên toàn quốc. Cần quản lý thế nào? Dự kiến công ty hoạt động ở đâu phải báo cáo, văn phòng đại diện, chi nhánh ở địa bàn đó và phải báo cáo lên Sở Công Thương.
"Nghị định mới sẽ điều chỉnh, nội dung hợp đồng ràng buộc trách nhiệm công ty bán hàng đa cấp với các thành viên tham gia", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Do vậy, Nghị định sửa đổi đang được các đơn vị chức năng Bộ Công Thương soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp, có những điều kiện ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo hướng bảo vệ đại đa số những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.