Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo Bình Định lên tiếng việc tháp Chăm bị đóng khung thép

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, việc đóng khung thép lên tháp Bánh Ít và tháp Đôi là vi phạm Luật Di sản.

Hai ngày qua, hàng loạt tài khoản trên các trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) - di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia trong quần thể tháp Chăm cổ bị xâm hại.

Thap Cham co bi xam hai anh 1
Cụm tháp Bánh Ít trên đỉnh đồi ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng.

Các phản ánh đề cập việc công nhân khoan vào tường gạch cổ, lắp đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích, quảng bá du lịch, vừa mất mỹ quan vừa xâm hại tháp Chăm với những vết khoan thủng tường gạch cổ.

Trao đổi với Zing.vn ngày 7/5, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách, tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tháo dỡ ngay biển quảng bá du lịch gây phản cảm trên hai tháp cổ này. 

"Khoan, đục tường tháp Chăm cổ lắp đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích, quảng bá du lịch là sai phạm trong quản lý di tích, vi phạm Luật Di sản. Tỉnh hoàn toàn không đồng tình và yêu cầu cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, chấn chỉnh không lặp lại tình trạng này thời gian tới", ông Thanh nói. 

Sau khi tháo dỡ biển quảng bá du lịch, lãnh đạo Bình Định yêu cầu Sở Văn hóa khẩn trương khôi phục vết khoan theo hướng trùng tu như hiện trạng ban đầu.

"Tuyệt đối không lấy xi măng trét, trám qua loa gây mất mỹ quan cho các tháp Chăm cổ", lãnh đạo Bình Định quán triệt.

Thap Cham co bi xam hai anh 2
 Vị trí khoan, đục vào tường tháp Chăm cổ để gắn biển quảng bá du lịch ở di tích tháp Đôi (TP Quy Nhơn). 

Cùng ngày, Giám đốc Bảo tàng Bình Định Đặng Hữu Thọ thừa nhận biển quảng bá điểm đến của ngành du lịch Bình Định trên các tháp Đôi và tháp Bánh Ít là do Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) thực hiện.

Ông Thọ cho rằng mục đích của việc gắn bảng quảng bá là để du khách có điểm chụp ảnh kỷ niệm, đồng thời giới thiệu cho du khách về tên tháp, giá trị mỹ thuật của tháp…

Câu slogan gắn trên các tháp đã được Bảo tàng Bình Định xin góp ý của Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Sở Văn hóa Thể thao. Nhưng việc khoan vào tháp lại không xin ý kiến vì "thấy đơn giản nên tự ý làm luôn".

Trước đó, ngày 6/5, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định, từng phân bua là đơn vị có ý định treo biển quảng bá điểm đến du lịch để du khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các điểm di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa.

"Sau khi nghe thông tin du khách phản ứng, Sở đã cử anh em kiểm tra tháo dỡ ngay các dòng chữ gắn trên di tích, chuyển đến treo ở vị trí khác phù hợp", ông Chánh cho biết. 

Theo Điều 4, Nghị định 98/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, đối với di tích lịch sử - văn hóa, những hành vi được coi là xâm phạm di tích bị nghiêm cấm gồm:

1. Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích.

2. Làm thay đổi môi trường cảnh quan di tích như: Chặt cây, phá đá, đào bới, xây trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị đóng khung thép để quảng bá du lịch

"Chúng tôi treo biển quảng bá điểm đến du lịch để khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định nói.





Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm