Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo AmCham: Nhu cầu việc làm trong lĩnh vực STEM đang tăng mạnh

Trong khi VN mở cửa cho nhiều tập đoàn quốc tế, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, vừa quen thuộc văn hóa Mỹ, vừa am hiểu thị trường VN chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Ông Michael Beckman, thành viên ban quản trị Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nhận định sinh viên Việt Nam du học Mỹ trở về sẽ là những "ngôi sao" được các tập đoàn quốc tế và công ty trong nước trọng dụng. 

Theo ông Beckman, các sinh viên theo học lĩnh vực đặc thù như kinh doanh hoặc STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Math - Toán học) có cơ hội được thực tập tại Mỹ đến 3 năm. Và dù luôn có nhiều cách thức để họ tiếp tục ở lại, ông Beckman cho rằng sự lựa chọn trở về vẫn "hứa hẹn và thú vị" hơn cả. 

- Vì sao Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên Việt Nam có nhu cầu đi du học?

- Nếu phải so sánh với các quốc gia khác, ví dụ như Canada hoặc Australia, hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ phong phú hơn nhiều, với 5.000 trường đại học, cao đẳng và nhiều mô hình dạy học khác nhau. Từ những trường tư nhỏ có quy mô 5.000-8.000 sinh viên, đến những trường công lớn với hơn 50.000 học sinh. Tôi nghĩ điều này giúp tạo ra môi trường năng động, nhiều cơ hội hơn để các sinh viên nước ngoài, trong đó có Việt Nam, tìm được mô hình giảng dạy đại học phù hợp.

du hoc My nganh STEAM anh 1
Ông Michael Beckman, thành viên ban quản trị Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham). Ảnh: Thuận Thắng.

- Nhưng ông có nghĩ sự đa dạng này cũng là một thách thức cho các sinh viên?

- Đúng, ngay cả người Mỹ cũng bối rối trước quá nhiều sự lựa chọn. Hệ thống trường học và chương trình giảng dạy của Mỹ khá phức tạp, nhưng luôn có nhiều cá nhân và tổ chức sẵn sàng trợ giúp các sinh viên định hướng học tập.

Tôi cũng có con, và chúng tôi đang “thực hiện nhiệm vụ” tìm trường đại học phù hợp. Tuy nhiên, mọi người đều có thể gặp gỡ nhân viên hướng dẫn và tham khảo tài liệu trên Internet. Điều này cũng rất thú vị, có vô vàn cơ hội để các sinh viên xem xét.

- Sinh viên Việt Nam thường đối mặt với những khó khăn gì khi đến Mỹ du học?

- Thử thách đầu tiên luôn là sự khác biệt về ngôn ngữ, các sinh viên phải vượt qua rào cản này khi du học ở bất kỳ đâu. Nhưng tôi luôn nghĩ đây là một cuộc phiêu lưu, các bạn sẽ được học hỏi nhiều điều mới mẻ, từ trường học đến đường phố, từ kiến thức chuyên môn đến con người, văn hóa và ngôn ngữ. Và chắc chắn là bạn sẽ phát triển bản thân rất nhanh chóng.

- Ông có đề cập rằng STEM là lĩnh vực thu hút đối với sinh viên Việt Nam. Cơ hội làm việc đối với du học sinh trở về là như thế nào?

- Khoảng 2/3 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ đang theo học các ngành kinh doanh và STEM. Tôi cho rằng Mỹ có nhiều cơ hội để các bạn phát triển trong các lĩnh vực này, sau quay trở về quê hương để cống hiến.

Tại Việt Nam, nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật đang tăng nhanh. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, thông thạo tiếng Anh và được tiếp cận với văn hóa phương Tây sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi kinh tế.

Tôi làm việc với tập đoàn Intel tại Việt Nam, và tôi được biết một sự thật là họ luôn trong tình trạng “đói” nhân lực, cụ thể là công ty này không bao giờ thuê đủ số lượng kỹ sư người Việt. Tôi cho rằng nhân viên bản địa thạo tiếng Anh luôn có lợi thế lớn, và tôi nghĩ họ còn được trả lương cao.

du hoc My nganh STEAM anh 2
Các sinh viên học STEM có cơ hội xin ở lại theo dạng OPT cao hơn. Ảnh: Thuận Thắng.

Tại Mỹ, du học sinh tốt nghiệp bằng cử nhân có thể đăng ký chương trình Đào tạo Thực hành Không bắt buộc (OPT), cho phép họ thực tập tại các công ty của Mỹ trong thời gian từ 1-3 năm. Đây là cơ hội lớn giúp các sinh viên học hỏi nhiều hơn, và khi trở về Việt Nam, họ sẽ trở thành “ngôi sao”. Họ vừa thạo tiếng Anh, vừa được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm làm việc, chắc chắn họ sẽ được trọng dụng.

Ở văn phòng luật sư ACSV, nơi tôi đang làm việc, chúng tôi đang tuyển một nữ du học sinh ngành luật từ Mỹ trở về. Tiếng Anh của cô ấy tuyệt vời, cô ấy am hiểu luật chung của Mỹ và luật dân sự của Việt Nam. Chúng tôi nói với nhau: “Thật hoàn hảo, chúng ta phải thuê cô ấy ngay lập tức”.

- Sinh viên Việt Nam có thường bị phân biệt chủng tộc khi đến Mỹ du học?

- Chúng ta phải thừa nhận rằng vấn nạn này vẫn tồn tại ở nước Mỹ. Nhưng tôi nghĩ khuôn viên các trường đại học là nơi tình trạng kỳ thị chủng tộc ít diễn ra nhất trên khắp đất nước. Đây là địa điểm quy tụ những người trẻ, có học thức, năng động và đa dạng. Lượng sinh viên gốc Á tại nhiều trường đại học Mỹ cũng ngày càng tăng. Ví dụ trường Đại học California Berkeley có hơn 40% số sinh viên là người gốc Á.

Thêm vào đó, cộng đồng người Việt tại Mỹ chiếm số lượng khá lớn với hơn 3 triệu người, họ là một phần của nước Mỹ. Vì vậy, tôi không nghĩ sinh viên Việt Nam bị kỳ thị nhiều khi học tập ở môi trường Mỹ.

Và tôi nghĩ lý do nhiều trường đại học Mỹ đến Việt Nam hàng năm để tham dự các buổi triển lãm tuyển sinh là vì các bạn rất có giá trị đối với họ. Sinh viên Việt Nam luôn là những người chăm chỉ nhất, các bạn thông minh, có khả năng thích ứng cao và có nhiều cơ hội thành công sau khi tốt nghiệp.

- Vậy còn những mặt tiêu cực, sinh viên Việt Nam có những điều gì chưa tốt so với sinh viên Mỹ và du học sinh từ các nước khác?

- Tôi không nghĩ sinh viên Việt Nam có bất kỳ mặt xấu nào quá đặc biệt so với sinh viên từ các quốc gia khác. Nếu có thì đó là các bạn đôi khi nhút nhát quá, các bạn dành nhiều thời gian ở thư viện. Tôi nghĩ các bạn nên dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp với mọi người.

Tuy nhiên, một thử thách mà sinh viên Việt Nam phải đối mặt đó là phương pháp học tập ở Việt Nam rất khác so với Mỹ. Các trường đại học đều ý thức về vấn đề này. Họ muốn thu hút sinh viên quốc tế, vì vậy họ luôn có những chương trình giúp đỡ các bạn hòa nhập với cuộc sống và môi trường học tập ở Mỹ. Nhiều trường vẫn tổ chức các khóa học mùa hè dạy tiếng Anh và hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả tại Mỹ. Sinh viên cũng có thể đến trường trước khi nhập học vài tuần để làm quen với bạn bè quốc tế.

Vì vậy, lời khuyên của tôi đối với du học sinh Việt Nam đó là các bạn nên giao tiếp nhiều hơn nữa, hãy tham dự các bữa tiệc, đến một sự kiện thể thao. Hãy trở thành một phần của cộng đồng nơi bạn đang học tập và của nền văn hóa Mỹ, điều này sẽ giúp các bạn phá vỡ rào cản khác biệt.

Ngay khi còn ở Việt Nam, sinh viên có ý định du học cũng có thể tìm hiểu về văn hóa Mỹ ở những cộng đồng người nước ngoài, xem phim, đọc sách, nghe nhạc Mỹ, kết bạn với người Mỹ. Tôi nghĩ không khó để tiếp cận văn hóa Mỹ ở Việt Nam.

Và ngược lại, các bạn cũng nên mang cá tính văn hóa độc đáo và mạnh mẽ của Việt Nam đến Mỹ. Các trường đại học đều muốn thu hút sinh viên từ nhiều nền văn hóa khác nhau để làm giàu cho cộng đồng. Sinh viên Việt Nam sẽ giúp cộng đồng phong phú và có giá trị hơn.

du hoc My nganh STEAM anh 3
AmCham trao học bổng cho 30-50 nữ sinh học ngành STEM mỗi năm . Ảnh: Thuận Thắng.

- Không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để cho con du học Mỹ?

- Đúng vậy, đây là điều mà các gia đình nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định cho con du học Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại học bổng đến từ nhiều nguồn khác nhau, phù hợp với nguyện vọng và khả năng của từng sinh viên. Các ngành STEM cũng thường cung cấp nhiều loại học bổng hơn, ví dụ, AmCham trao học bổng cho 30-50 nữ sinh học ngành STEM mỗi năm. Các bạn có khá nhiều cơ hội, và nếu muốn đi du học, các bạn hoàn toàn có thể nắm bắt lấy chúng.

- Nhiều sinh viên lo sợ không trả nổi tiền vay để học đại học Mỹ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là sinh viên sau khi tốt nghiệp không thể tìm được việc làm để kiếm tiền trả nợ. Nhưng nếu chọn học ngành STEM, các bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm và lương cũng cao hơn, vì vậy các bạn hoàn toàn có khả năng chi trả số tiền đã vay.

- Nếu du học sinh tới Mỹ và không muốn trở về?

- Một số sinh viên có thể sẽ muốn ở lại Mỹ để làm việc, công ty của họ cũng sẵn sàng hỗ trợ hồ sơ xin cấp thẻ xanh. Có nhiều cách để làm điều này một cách hoàn toàn hợp pháp, nhưng tôi nghĩ cơ hội việc làm cho du học sinh trở về Việt Nam hứa hẹn hơn nhiều.

Tôi làm việc với nhiều công ty Mỹ tại Việt Nam đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, và họ thực sự rất cần nhân viên người bản địa du học từ Mỹ về. Bởi vì những công ty này vẫn muốn giữ văn hóa làm việc theo kiểu Mỹ, đồng thời cần người giỏi và am hiểu văn hóa Việt Nam. Họ cần “cầu nối” giữa hai nền văn hóa. Và sinh viên từ Mỹ trở về chính xác là người mà họ sẽ trọng dụng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện

Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM sẽ tổ chức Triển lãm Giáo dục Mỹ tại Khách sạn Nikko Saigon vào ngày 12/10.

Triển lãm năm nay tập trung vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực kinh doanh và STEM, với sự tham gia của 48 trường đại học của Mỹ.

Các trường sẽ chia sẻ thông tin tuyển sinh, các loại học bổng và đặc biệt là chương trình Đào tạo Thực hành Không bắt buộc (OPT), cho phép sinh viên tốt nghiệp được làm việc toàn thời gian từ 1-3 năm tại Mỹ trong lĩnh vực đã được đào tạo.

Pháp mong thu hút nhiều bạn trẻ VN sang du học

Ngày hội Giáo dục Đại học Pháp "Bienvenue en France” 2018 vừa diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội trong hai ngày 6-7/10 với sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức ngày hội giáo dục châu Âu 2018

Các sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội tìm hiểu về hệ thống giáo dục, văn hóa và truyền thống của các nước châu Âu trong các buổi hội thảo và gặp gỡ các cựu sinh viên.




Chi Mai

Ảnh: Thuận Thắng

Bạn có thể quan tâm