Những làng ven đô với các nghề độc đáo gia truyền vang danh một thời chỉ còn thấp thoáng ẩn hiện phảng phất màu cổ tích. Đâu rồi tiếng chày đập lụa hay giã giấy dó dưới đêm trăng của hồ Tây hồ Trúc Bạch. Đâu rồi đúc đồng Ngũ Xã. Đâu rồi những ruộng rau muống “tiến vua” Kim Liên.
Ngay cả làng đồng nát Triều Khúc cũng thành khu trung tâm tái chế vật liệu cũ sặc mùi rác phố. Trong rất nhiều khảo cứu nghiêm túc đương đại đã xuất hiện khái niệm hài hước, “làng nội đô”.
Liệu những cư dân mới tinh người ngoại tỉnh dư tiền mua biệt thự ở Ciputra có biết cách đây chưa lâu, cái nền nhà sang chảnh lát gỗ pơ mu mà mình đang ở, chính là nền ruộng của ngôi làng đầy tự hào về trồng đào tết. Một nhà thơ dân gian gốc người làng ven đô cảm khái. “Mái bằng mái bằng lại mái bằng. Tôi đi như cá lạc vào đăng. Ba mươi năm lẻ về làng cũ. Cả làng đã hóa cục xi măng”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Quý Nguyễn/Pexels. |
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là những làng ven đô của Thăng Long, của Kẻ Chợ, của Hà Nội đã hoàn toàn biến mất. Đơn cử có thể kể, Cổ Loa chẳng hạn, Cự Đà chẳng hạn, hay như Xuân Đỉnh. Rồi Ước Lễ rồi Đông Ngạc. Vẫn cây đa cổ thụ che rợp mái đình. Vẫn loang lổ rêu phong cổng làng nghẹn ngào không tuổi. Vẫn những hội hè cổ kính nghi lễ đặc sắc, với một bề dầy văn hóa ẩm thực ngon tới tầm đặc sản quốc gia.
Tất cả đều sống động trong một không gian kiến trúc trĩu nặng hồn dân tộc, cho dù đấy là một ngôi chùa cổ tuổi đếm bằng thế kỷ hay một nóc nhà thờ xây mới trăm năm. Nhưng cao hơn hết, bao trùm hơn hết vẫn là những cư dân của làng. Đa phần là những người chân chất bình dị, được lung linh điểm xuyết bằng vô số tinh hoa. Họ có thể là một nghệ nhân giữ lửa nghề truyền thống đang mong manh thất truyền.
Lại có thể là một ẩn sĩ trí thức khoa bảng khiêm cung. Bởi tinh thần hiếu học của nhiều làng ven đô đã thành một thuần phong. Ví như vùng Kẻ Mọc, tên nôm gọi một số làng trải dài phía hữu ngạn sông Tô Lịch.
Sách Phương Đình loại chí của danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu chép. “Khoa danh ở đây tiếng nổi, 7 nhà mà có 11 người đỗ đại khoa”. Học giả Nguyễn Văn Uẩn rưng rưng thú vị khi thuật lời các cụ xưa. “Thôn Chính Kinh phía nam có nhiều hồ ao là cái nghiên mực. Thôn Quan Nhân kề bên là cái ngòi bút. Phong thủy như thế nên có nhiều người học vấn đỗ đạt cao”. Không biết rồi đây khi làng hóa phố, những làng ven đô liệu mãi mãi sẽ vẫn còn là linh địa.
Để giữ nguyên được những cao cả hồn cốt của các làng ven đô trong cơn sóng thần đô thị hóa thì không chỉ là vấn nạn của riêng Hà Nội, mà ngay cả ở những quốc gia có nền kinh tế lẫn văn hóa phát triển cao cũng thành một thách thức nan giải. Việc cộng đồng dân cư “gốc” ở đây không di chuyển đi nơi khác, đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình đô thị hóa tự thân Hà Nội.