Ngày 16/7, tại đường sách TP.HCM đã diễn ra diễn đàn “Lắng nghe chúng con nói” với chủ đề “Con thích đọc gì?”. Đây là chương trình điểm nhấn của Hội sách thiếu nhi TP.HCM năm nay nhằm tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng, sở thích của thiếu nhi về loại sách, nội dung sách mà các em yêu thích.
Tham dự diễn đàn, đại diện các bạn thiếu nhi từ các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã có cơ hội nói lên mong muốn của bản thân về các xuất bản phẩm và sở thích đọc sách của lứa tuổi mình.
TS Quách Thu Nguyệt tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Nhật. |
Yêu lịch sử nhưng “ngại” đọc sách sử.
Chia sẻ tại sự kiện, em Huỳnh Anh Thư - học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp - cho biết em rất yêu lịch sử dân tộc tuy nhiên với em các dòng sách sử hiện nay còn khô khan, thiếu thu hút.
Anh Thư nói càng lớn em càng hiểu và yêu thích sách cung cấp tri thức, đặc biệt sách sử. Em thích tìm hiểu về những trận đánh oanh liệt của dân ta, những tấm lòng trung kiên và những anh tài đã ra sức bảo vệ non sông, đất nước. Thông qua những câu chuyện lịch sử, Thư cảm nhận được tình người trong biển lửa, những tấm lòng yêu nước sẵn hy sinh vì độc lập tự do dân tộc.
Dù yêu sử là vậy nhưng Anh Thư vẫn thấy sách sử trên thị trường khá khô và chán, nghĩ tới lịch sử là nghĩ tới phải học ngày này, tháng đó có trận đánh nào, sự kiện gì xảy ra. Anh Thư mong các nhà xuất bản có thể có nhiều ấn phẩm sách sử thú vị hơn ví như có thêm phiên bản truyện tranh lịch sử dễ đọc, dễ cảm.
“Bản thân em rất yêu thích hai bộ truyện tranh Who? Và Danh nhân thế giới của nhà xuất bản Kim Đồng. Hai bộ truyện rất thú vị, cho em cảm giác được hòa mình vào thế giới lịch sử nhiều màu sắc mới lạ”, Anh Thư nói.
Về vấn đề làm sao để môn lịch sử nói chung và sách sử nói riêng thu hút hơn, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản Trẻ cho rằng sử Việt không hề khô khan như báo chí truyền thông thường nhắc tới, trẻ em cũng có thể yêu sử, thích đọc sử chỉ là cách tiếp cận của sách sử chưa phù hợp với các em.
Em Lê Tường Vy (12 tuổi) là học sinh trường THCS Phong Phú (huyện Bình Chánh) tại Hội sách thiếu nhi TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Mong được lắng nghe, hướng dẫn và thấu hiểu nhiều hơn.
Em Lâm Nguyễn MaiKa - học sinh trường THCS Bạch Đằng, quận 3 - chia sẻ không muốn bị bố mẹ áp đặt phải đọc một loại sách nào đó “con mong muốn phụ huynh sẽ cùng tụi con đi vào nhà sách, lắng nghe, thấu hiểu tụi con đang cần gì, tìm hiểu về nội dung sách gì, chia sẻ và chọn mua loại sách tụi con thích”, Maika nói.
Đồng quan điểm với Maika, một học sinh trường Hoa Lư kể: “Em không thấy hứng thú đọc sách khi thầy cô, ba mẹ nói phải đọc quyển này, quyển kia. Cho đến khi khi em gặp vấn đề với môn văn và được bạn giới thiệu rất nhiều sách văn học thú vị. Sau khi đọc các tác phẩm nổi tiếng, khả năng cảm thụ, trau chuốt ngôn từ trở nên tốt hơn. Từ đó, em đã cải thiện môn văn và dần thích, đam mê sách hơn”.
Bên cạnh nguyện vọng được hướng dẫn, thấu hiểu, các em cũng mong muốn có nhiều sân chơi bổ ích gắn liền với văn hóa đọc như hội thi kể chuyện theo sách, giao lưu, giới thiệu sách theo chủ đề; có thêm nhiều các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo ngày cuối tuần tại đường sách TP.HCM.
Trao đổi về các chương trình phát triển văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường, thầy Dương Trần Bình - hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp - cho biết trường Tiểu học Lê Đức Thọ đã đưa vào thời khóa biểu các tiết đọc sách cho các em, trong tiết đọc, nhà trường định hướng cho các em rất rõ ràng (các em yêu thích sách nào, chủ đề nào thì khi vào thư viện của nhà trường các em nên lựa chọn)…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã xây dựng các tủ sách dành riêng cho các em tại lớp, hành lang, đầu tư về thư viện điện tử, mỗi em sẽ được cấp một tài khoản để tìm kiếm, theo dõi và chọn đọc loại sách mà các con yêu thích.
“Thầy cô luôn sẵn sàng đồng hành cùng phụ huynh, lắng nghe nguyện vọng của các em nhiều hơn, tránh việc áp đặt và không tôn trọng quyền lựa chọn của các em”, thầy Bình chia sẻ
Cùng quan điểm với thầy Bình, bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu - nguyên Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - cho biết thời gian mà cô còn làm ở trường, cô luôn đưa ra những phương pháp mới như tổ chức các câu lạc bộ, ví dụ câu lạc bộ ươm mầm văn thơ.
“Mình phải là người khởi xướng, người hướng dẫn và đồng hành cùng các con thì các con mới thích và tự nguyện tham gia”, bà Thu nói.
Diễn đàn “Lắng nghe chúng con nói” được tổ chức với mục đích giúp các bậc phụ huynh thấu hiểu con trẻ nhiều hơn. Giúp các sở, ban, ngành và các đơn vị nhà Xuất bản, công ty phát hành sách sẽ có những giải pháp đổi mới, phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của các em để tạo lập thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc cho các em thiếu nhi tại thành phố.