Trước đây, con người thường phụ thuộc hoàn toàn vào lời tư vấn của bác sĩ. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, chỉ cần một cú “click” chuột, thông tin có thể hiển thị trước mắt chúng ta. Kiến thức về sức khỏe cũng không ngoại lệ.
Trong cuốn Những ngộ nhận “vì sức khỏe” - Lựa chọn đúng đắn giữa biển thông tin, bác sĩ Ngô Đức Hùng viết ở phần lời tựa sách rằng không phải những gì chúng ta tiếp cận trên Internet đều là chân lý, đúng đắn. Khi có vô số nguồn thông tin nên con người dễ đứng trước “rác kiến thức”. Kết cục là chính chúng ta đang làm cho cơ thể mình hoạt động rối loạn hơn.
Cuốn sách chỉ ra những "ngộ nhận" về sức khỏe thường gặp. Ảnh: Thu Huệ. |
Lựa chọn nguồn thông tin đúng đắn
Khi nhận bản thảo Những ngộ nhận “vì sức khỏe” - Lựa chọn đúng đắn giữa biển thông tin, với tư cách người hiệu đính, bác sĩ Ngô Đức Hùng nhận xét cuốn sách hấp dẫn ngay từ chương đầu tiên. "Nó đề cập hầu hết băn khoăn thường gặp của bất cứ ai. Những câu hỏi thường ngày được giải đáp một cách đơn giản, dễ hiểu, có chứng cứ xác thực. Hơn hết, đọc để không bị cuốn vào những trào lưu sức khỏe phản khoa học”.
Đúng như tiêu đề, tác giả, bác sĩ chuyên khoa người Nhật Bản Toshio Akitsu đã chỉ ra những “ngộ nhận” của con người về kiến thức chăm sóc sức khỏe và những bệnh lý thường gặp. Đến nay, sách đã bán được gần một triệu bản ở Nhật, trở thành cẩm nang gối đầu giường của nhiều gia đình.
Sách gồm 5 chủ đề chính tương đương 5 nhóm câu hỏi lớn: “Y tế”: Chọn cái nào?; “Thuốc”: Chọn loại nào?; “Phương pháp rèn luyện sức khỏe”: Chọn phương pháp nào?; “Ăn uống”: Chọn cái nào? và “Sinh hoạt hàng ngày”: Chọn cái nào?
Cuốn sách được viết dưới dạng hỏi - đáp. 35 câu hỏi đi vào các vấn đề thường gặp trong cuộc sống khiến nhiều người băn khoăn như: Khi thấy không khỏe thì nên đến phòng khám tư hay bệnh viện đa khoa? Năm quả dâu tây và một miếng chocolate, thứ nào sẽ gây tiểu đường? Người căng thẳng và người không căng thẳng, ai sẽ dễ bị virus tấn công trước?...
“Trong cuốn sách này, tôi đã chuẩn bị 35 câu hỏi liên quan sức khỏe. Khi đọc hết cũng là lúc các bạn sẽ học được tầm quan trọng của việc nghi ngờ thông tin và chắc hẳn sẽ có thể tiến bước trên con đường sống lâu, khỏe mạnh bằng việc nắm bắt thông tin thật sự đúng đắn”, tác giả viết.
Bác sĩ Toshio Akitsu cũng là tác giả cuốn Làm sao để không mắc ung thư. Ông cho rằng ung thư đang trở thành căn bệnh ngày càng quen thuộc với chúng ta, nhưng nếu nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, tránh dựa trên thông tin chính xác thì khả năng tránh được sẽ lên tới 90%.
Là ấn phẩm viết về chủ đề y khoa, song nội dung sách không mang nặng tính chuyên ngành. Thay vào đó, cách gợi mở, đặt vấn đề gần gũi, tự nhiên sẽ giúp người đọc dễ tiếp cận hơn.
Tác giả đặt ra những câu hỏi như: Trong một gia đình, nếu bố bị ung thư đại tràng và ông bị ung thư phổi, bệnh ung thư nào sẽ dễ di truyền đến đời thứ ba hơn? Thể trạng người gầy hay béo dễ mắc ung thư hơn? Phụ nữ đã sinh nở hay chưa từng sinh nở có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn?
Bên cạnh đó, cách đặt tiêu đề cho từng chương, phần trong sách cũng gợi sự tò mò. Chẳng hạn ung thư và ăn uống, bạn chọn bên nào? Khả năng mắc ung thư trong suốt cuộc đời và khả năng mắc cúm trong một năm, trường hợp nào có xác suất xảy ra cao hơn?
Từ những câu hỏi đó, tác giả đưa ra lập luận, lý giải ngắn gọn, dễ hiểu, cùng lượng kiến thức khoa học vừa đủ để thuyết phục người đọc.
Sách cung cấp bài học về cơ chế dưỡng lành cơ thể. Ảnh: Thu Huệ. |
Ghi chép hoạt động của cơ thể
Được xem là “cuốn sách vàng giúp bảo vệ sức khỏe”, Đi tìm thần dược bên trong cơ thể của chuyên gia dưỡng sinh Ngô Thanh Trung mang đến những bài học thiết thực về cơ chế dưỡng lành cơ thể từ chính những thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người.
Tác giả cho rằng đa số bệnh mạn tính là “kết quả của việc chúng ta dùng sai cơ thể. Cái mà chúng ta cần không phải là linh đan hay linh dược, mà là một cuốn sổ tay sử dụng cơ thể chính xác”.
Theo ông, bệnh tật là ghi chép trung thực sinh hoạt thường ngày của mỗi người. Nếu không dành thời gian để ngủ, sớm muộn cơ thể người đó sẽ phải dành ra thời gian để sinh bệnh.
Tác giả tìm ra sự tương quan giữa bộ máy cơ thể người và chiếc máy tính, từ đó nhận định rằng cũng giống như sử dụng máy tính, con người chỉ cần biết cách “sử dụng cơ thể” bằng những thói quen khoa học, điều độ, thì sẽ có sức khỏe dồi dào và khả năng đẩy lùi bệnh tật.
Các bài tập yoga được khuyến cáo tốt cho sức khỏe. Ảnh: Thu Huệ. |
Lấy lại cân bằng trong cơ thể
Bên cạnh thói quen sinh hoạt, cách thức ăn uống, ngủ nghỉ, việc tập luyện thể dục cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, đem lại một tâm trí điềm tĩnh và thư giãn, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 này.
Các loại hình yoga đều có thể mang đến lợi ích về mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần. Nếu bộ môn “yang yoga” thiên về cải thiện cơ bắp và hình thể, thì “yin yoga” có tác dụng đối với các phần mô liên kết của năng lượng, cơ chế vận động của các mô, dây chằng, khớp nối và xương ở sâu bên trong cơ thể.
Đúng như tiêu đề, Yin yoga - Tâm yên bình, đẹp dáng xinh mang đến cho độc giả góc nhìn sâu sắc về triết lý và cách thực hành bộ môn này. Bên cạnh phần lý thuyết, tác giả Bernie Clark còn giới thiệu tới bạn đọc phần minh họa gồm phương thức mô tả cùng hình ảnh của hơn 20 tư thế khi tập.
Dịch giả Rosie Nguyễn - một trong ba người chuyển ngữ cuốn sách này - nhận định rằng dù đang thực hành bất kỳ hình thức yoga nào hoặc muốn tìm hiểu một phương pháp luyện tập nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân, thì đây là cuốn sách đáng có của mỗi người.
“Cuốn sách đưa ra những nền tảng cơ bản của nguồn gốc yoga, mối quan hệ của yoga và đạo, cùng những nguyên tắc cần lưu ý để thực tập an toàn”.
Các phương pháp trong sách mang đến bài học để mỗi người biết lắng nghe cơ thể giữa nhịp sống sôi động, từ đó tự lấy lại cân bằng cho cả thể chất và trí não.