Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở Sài Gòn hối hả chạy hàng Tết

Phải làm ngày, làm đêm, các cơ sở đúc lư đồng ở quận Gò Vấp, TP.HCM mới kịp thời gian giao hàng Tết đúng hẹn cho khách.

Trên đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, Gò Vấp (trước đây gọi là làng đúc đồng An Hội)  vẫn còn nhiều hộ gia đình làm nghề truyền thống đúc lư đồng. Trải qua hàng chục năm, các sản phẩm ở đây vẫn được làm hoàn toàn thủ công với hoa văn tinh xảo. 
Đang trong gia đoạn làm hàng Tết nên các cơ sở phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm, từ ngoài đường đã nghe tiếng búa gõ của thợ chạm khắc.
So với nhiều nơi khác, lư đồng và các vật dụng thờ cúng làm bằng đồng ở đây có giá cao hơn, nhưng khách vẫn đặt hàng. Lý giải về giá, những người thợ ở đây cho biết, do tất cả sản phẩm được làm thủ công, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện một sản phẩm.
Đắp sáp tạo khuôn là khâu quan trọng nhất, vì công đoạn này quyết định độ dày, mỏng và những đường nét cơ bản cho chiếc lư.
Ông Hai Thắng, chủ một cơ sở đúc lư đồng ở đây cho biết: "Tôi đã gắn bó với nghề này hơn 50 năm. Làm ra một chiếc lư đồng thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ tạo khuôn, đổ đồng, điêu khắc, đánh bóng...  Và thường mỗi người thợ sẽ phụ trách một khâu riêng biệt. Chất lượng lư đồng phụ thuộc vào cách pha chế đồng để cho ra sản phẩm có màu sắc sáng bóng như thế nào".
Đắp đất sét là công đoạn cuối cùng trước khi đem khuôn đi đổ đồng. Những người thợ chính tạo khuôn  ở các cơ sở này đều có kinh nghiệm từ 10  đến hơn 20 năm, nhưng mỗi ngày người làm nhanh nhất cũng chỉ hoàn thành được 15 khuôn đúc.
Sau khi đổ đồng vào khuôn đúc, lớp đất sét được đập bỏ, những chiếc lư thành hình cơ bản.
Sau đó chúng sẽ được chạm khắc hoa văn. Thời gian để người thợ hoàn thiện hoa văn cho 1 chiếc lư đồng chỉ từ 30 phút đến khoảng 1 giờ.
Hoa văn trên lư đồng truyền thống chủ yếu mang hình rồng phượng. Hiện nay, các cơ sở còn chạm, khắc hoa văn theo mẫu mã, yêu cầu của khách.
Dù là chủ cơ sở, nhưng hàng ngày ông Hai Thắng vẫn tự tay vào xưởng để gò hàn, chạm khắc cho những chiếc lư.
Trước kia, làng đúc lư đồng này có đến hơn 30 hộ, nhưng hiện nay chỉ còn 5 lò còn hoạt động. Điều đang chú ý là có khá nhiều thanh niên trẻ học nghề, say mê với công việc xưa cũ này.
Ông Hai Thắng cho biết thêm, trung bình mỗi năm cơ sở của ông xuất đi hơn 2.000 bộ lư đồng các loại,  riêng 2 tháng cuối năm phải hoàn thiện hơn 400 bộ. Từ đầu tháng chạp, các cơ sở phải làm việc gấp đôi để đáp ứng nguồn hàng Tết . Tùy thuộc vào chất lượng đồng, những bộ lư thủ công này có giá từ 5  - 12 triệu đồng.

Zen Nguyễn

Bạn có thể quan tâm