Phú Lộc Tây 1 và Phú Lộc Tây 2 là làng nghề duy nhất sản xuất sản phẩm thờ cúng bằng đồng ở Khánh Hòa. |
Vào tháng chạp hàng năm, hàng chục lò nấu đồng ở làng nghề Phú Lộc Tây đỏ lửa để cho ra những sản phẩm như: Lư hương, chân đèn, lục bình, đài đựng nước, cổ bồng... phục vụ nhu cầu Tết của người dân. |
Toàn bộ các công đoạn sản xuất như đúc khuôn, nấu đồng, đổ đồng và hoàn thiện được thực hiện thủ công. |
Theo các nghệ nhân, để có một sản phẩm hoàn thiện, công đoạn làm khuôn, nấu đồng có vai trò quan trọng nhất. "Để có một nghệ nhân làm khuôn và nấu đồng lành nghề phải mất từ 4-6 năm đào tạo", nghệ nhân Biện Cư (72 tuổi) nói. |
"Trong quá trình nấu đồng phải liên tục kiểm tra nhiệt độ và phải loại bỏ tạp chất trong lò nấu. Nếu thiếu hoặc thừa nhiệt sẽ cho sản phẩm đồng không đạt chất lượng", ông Trần Thơ, người có 30 năm làm nghề, tiết lộ. |
Khuôn đúc được nung chín bằng rơm và củi trong thời gian từ 7-9 giờ. |
Trước khi vào lò nung, khuôn đúc sẽ được bọc bằng một lớp đất để giữ nhiệt và cố định các mảnh ghép của khuôn. |
Sau đó, đồng được đổ vào khuôn. |
Công đoạn đổ đồng vào khuôn đòi hỏi nghệ nhân phải thực hiện nhanh, chính xác. Nếu đổ chậm, đồng sẽ đông lại khiến sản phẩm không đều các mặt. |
"Nghề này vất vả nhưng có thu nhập nuôi sống gia đình. Cả năm làm lai rai, còn vụ chính vẫn là dịp Tết. Nghề đúc đồng đã ngấm vào máu nên dịp này ai kêu mình cũng làm", anh Trần Ngọc Lân (37 tuổi) nói. |
3-5 phút sau khi đổ đồng vào khuôn, các nghệ nhân sẽ đập lớp đất bên ngoài để lấy sản phẩm. |
Sau đó, sản phẩm được các nghệ nhân hoàn thiện. "Sản phẩm đạt thẩm mỹ hay không phải nhờ vào công đoạn cắt tỉa và đánh bóng", nghệ nhân Hồ Văn Minh chia sẻ. |
Sau khi tạo hình, sản phẩm được đánh bóng. Một sản phẩm hoàn chỉnh trải qua ít nhất 5 công đoạn. |
Theo ông Nguyễn Văn Nhường, Giám đốc HTX đúc đồng Phú Lộc, sản phẩm lư hương bằng đồng của làng nghề xuất bán khắp cả nước. Vài năm trở lại đây, sản phẩm được xuất bán sang Campuchia, Myanmar và Lào. |