Kiếm 1 tỷ đồng/năm là thường
Ở Quảng Ngãi, ngư dân kiếm vài tỷ đồng mỗi năm không phải ở huyện đảo Lý Sơn hay làng lặn Bình Châu. Mà là ngư dân ở làng chài Nghĩa An và Nghĩa Phú nằm tại cửa biển Cổ Lũy.
Nghĩa Phú và Nghĩa An là hai xã nằm ở hai bên bờ cửa sông Cổ Lũy với mật độ dân cư khá đông đúc. Tuy trông bề ngoài cũng bình thường, không có nhiều biệt thự nguy nga như ở Gành Cả (xã Bình Châu, Bình Sơn), nhưng đây mới thật sự là làng chài đứng đầu của tỉnh Quảng Ngãi về thu nhập.
Ước tính, riêng đội tàu lưới giã cào cao tốc mỗi năm đã thu về khoảng 800 tỷ đồng. “Cuối năm vừa rồi, thuyền trưởng nào làm tàm tạm thì kiếm khoảng 1,5 tỷ đồng, người nào ngon thì kiếm chừng 3,5 tỷ đồng. Nếu mà chỉ kiếm được 1 tỷ đồng thì mấy ổng gọi là thất bại” - một ngư dân cho biết.
Xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa có đội tàu 182 chiếc, trong đó có 142 tàu công suất từ 90 CV trở lên nằm trong tay khoảng 70 chủ tàu. Đội tàu của Nghĩa An hùng hậu hơn, gồm 1.028 chiếc, trong đó tàu 90 CV trở lên là 749 chiếc, 600 tàu làm nghề lưới giã cào. Trong số này, những ngư dân mỗi năm kiếm được tiền tỷ là chủ tàu làm nghề giã cào cao tốc.
Ông Bửu, cán bộ thủy sản xã Nghĩa Phú điểm danh những thuyền trưởng tỷ phú. Đó là Trần Quang Diệm với 12 tàu, năm 2013 thu về hơn 10 tỷ đồng; thuyền trưởng Trần Quang Ninh với 4 tàu, năm qua thu về hơn 5 tỷ đồng; thuyền trưởng Trần Quang Nô với 4 tàu, thu nhập hơn 5 tỷ đồng.
Nhưng đứng đầu sổ tiếp tục là ngư dân Lê Thanh Hùng, mới 35 tuổi. Cuối mùa biển năm 2012, làng chài Nghĩa Phú xôn xao vì tổng kết cuối năm, cặp tàu cá mang số QNg 92826 và QNg 92229 của thuyền trưởng Lê Thanh Hùng liên tục 4 năm liền dẫn đầu đoàn về thu nhập.
Ông Nguyễn Tấn Hùng giới thiệu tàu dài tới 25 mét tại bãi đà của mình ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An. |
Năm đó, ông Hùng bỏ túi được hơn 2,5 tỷ đồng. Đến cuối mùa biển năm 2013, làng chài lại tiếp tục chứng kiến cú đúp của đội tàu này, vì đã vượt qua tất cả các tàu, thu về hơn 7 tỷ đồng. Riêng ông thuyền trưởng kiêm chủ tàu kiếm được hơn 3,5 tỷ. Có tiền, ông Hùng quyết định hạ lề đóng mới một cặp tàu công suất lớn và đồng thời đập bỏ ngôi nhà để xây biệt thự nguy nga giữa làng chài.
Mỗi năm dư cả con tàu
Cuối tháng 9, không khí đánh bắt từ các tỉnh phía Bắc chuyển về làng chài. Theo các ngư dân, năm nay đội tàu của cửa biển Cổ Lũy sẽ tiếp tục với kỳ tích kiếm vài tỷ đồng/năm. Thông tin từ các thuyền trưởng cho biết: “Cả đội tàu kéo ra vùng biển Vịnh Bắc bộ, đầu năm đi, cuối năm về. Ở vùng biển này cá nhiều chúng tôi cứ đánh hết lớp này thì cá lại kéo vô lớp khác. Nếu đi trúng luồng thì một ngày một đêm đánh cá là có thể nhẩm tính mình dư ra được bao nhiêu”.
Để đánh bắt hiệu quả, mỗi ông thuyền trưởng, chủ tàu có cách làm ăn riêng của mình. Ông Trần Quang Diệm khăn gói từ Quảng Ngãi ra các tỉnh phía Bắc và ở trực tiếp tại đây để chỉ đạo đội tàu của mình.
3,5 tỷ đồng. " /> |
Thuyền trưởng Lê Thanh Hùng thu nhập mỗi năm đến 3,5 tỷ đồng. |
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng thì ngoài kinh nghiệm nhìn trời, nhìn nước còn cho đội ngư dân ăn ngủ ngoài biển. Khi đánh được cá, ông Hùng gọi tàu hậu cần đến thu mua trực tiếp trên biển, sau đó bơm dầu và lương thực đầy khoang, rồi cho tàu tiếp tục hành trình “cày” dọc ngang trên biển.
Theo các ngư dân, bên cạnh kinh nghiệm đánh bắt, đội tàu còn thực hiện phương châm bám biển không vô bờ. Có nhiều tàu cho cả đội ngư dân bám biển, thỉnh thoảng chỉ ghé vào đảo nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục nổ máy. Công suất làm việc gần như 24/24 giờ.
Ở xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, có rất nhiều thuyền trưởng có đội tàu vài tỷ trong tay, nhưng tuổi đời chưa tới 40. Đó là thuyền trưởng A Văn Trung, Phạm Văn Lâm, Phạm Minh Hường… Trong 2 năm trở lại đây, các thuyền trưởng bắt tay vào cuộc đua tàu to, máy công suất lớn.
Bãi đà đóng tàu của ông Nguyễn Tấn Hùng (ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An) những năm trước chỉ đóng hơn 15 chiếc tàu/năm. Công việc sơn, sửa, cải hoán tàu là chủ yếu. Nhưng kết sổ năm 2013, số tàu đóng mới lên đến 45 chiếc. Hiện, trường đà của ông Hùng đang đóng nhiều tàu có chiều dài lên đến 25 mét, ngang với tàu vỏ thép, giá thành mỗi đôi tàu khoảng 6 tỷ đồng.