Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làng bánh đa nem vào vụ Tết

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, những ngày này người làng nghề bánh đa nem ở Hà Tĩnh chạy đua với thời gian, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm để làm bánh.

Tết Nguyên đán cận kề, dịp này mọi ngả đường về làng nghề làm bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đều chất đầy phên nứa phơi bánh. Vào cổng làng đã phảng phất mùi thơm của bột, gian bếp nhà ai cũng khói ngun ngút.

“Nghề làm bánh đa nem trở thành nghề truyền thống lâu đời tại vùng quê nơi đây. Dịp này cả làng như không ngủ, lúc nào cũng nhộn nhịp làm bánh để kịp thời phục vụ thị trường dịp Tết”, bà Phạm Thị Thanh (54 tuổi, trú thôn Bình) chia sẻ.

Lang banh da nem anh 1

Làng nghề làm bánh đa nem ở Hà Tĩnh tất bật vào vụ Tết.

Để có những mẻ bánh kịp phơi dưới ánh nắng sớm, suốt đêm qua, bà Thanh đã phải thức trắng bên bếp lửa. Đưa bàn tay thoăn thoắt lật những tấm phên nứa vừa phơi lúc sáng, bà Thanh nói bánh đa nem phải phơi buổi sớm để hong dưới làn sương mỏng manh mới thực sự đúng chất và tạo ra hương vị thơm ngon.

“Dịp này hơi vất vả, nhưng mà vui vì hàng làm ra khách đặt mua hết. Bánh sản xuất ở đây được nhiều người ưa chuộng vì không sử dụng bất kỳ hóa chất, chất bảo quản nào. Bánh được làm và xuất đi trong ngày với ưu điểm mỏng, dai, dễ cuốn, khi rán lên lại giòn rụm mà không bị cháy”, bà Thanh nói.

Trong khuôn viên rộng chừng 400 m2, nồi hơi làm bánh của gia đình anh Trần Hậu Định (41 tuổi, ở thôn Bình) luôn nghi ngút hơi nước. Những ngày này, cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình tất bật từ 4h đến 18h, có hôm lò tráng bánh đỏ lửa đến đêm.

Để kịp phục vụ nhu cầu dịp Tết, vợ chồng anh Định còn thuê thêm 6 nhân công cùng làm việc. Vừa đưa mẻ bánh ra phơi cho kịp nắng, anh Định lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để kịp tráng những mẻ bánh tiếp theo.

Theo anh Định, nghề làm bánh đa nem ở thôn Bình có từ xa xưa, gia đình anh cũng nối nghiệp cha ông để lại. Trước kia, bánh được tráng thủ công bằng tay.

Còn hơn 10 năm nay, nhiều hộ dân trong vùng đã áp dụng, đầu tư máy móc sản xuất mới đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

“Mỗi ngày chúng tôi làm ra 30.000-40.000 bánh. Hàng dịp Tết làm ra bao nhiêu cũng hết vì nhu cầu rất lớn. Trước đây dân trong xã chủ yếu tráng bánh bằng tay, sau này do thời gian cùng với nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, làng nghề đã đầu tư máy móc để sản xuất”, anh Định nói.

Anh Định chia sẻ thêm, bánh đa nem được làm bằng gạo với nhiều công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng, phơi, cắt bánh… Gạo được ngâm khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, sau đó để ráo, vắt thật kỹ rồi xay thành bột.

Để bánh có màu, người thợ phải thắng đường đến độ cháy nhất định, đổ nước vào hòa tan với bột rồi tráng. Đặc biệt quá trình phơi bánh quyết định không nhỏ đến chất lượng thành phẩm bởi nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc. Nếu nắng to hoặc quá hanh khô, bánh lại dễ nứt vỡ.

“Hôm trời mát hay thời tiết có mưa, thì phải làm khô bánh bằng máy sấy. Sau đó, những thợ làm bánh sẽ mang bánh hong dưới quạt gió để tạo độ mềm, dai. Khi bánh đã đủ khô, người dân bóc từng lá ra khỏi phên để cắt”, anh Định chia sẻ.

Theo đại diện UBND xã Thạch Hưng, hiện nay, thôn Bình có gần 80 hộ sản xuất bánh đa nem, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Doanh thu của làng nghề này đạt hơn 31 tỷ đồng/năm.

Hà Nội công bố 32 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn

Đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024, TP Hà Nội tổ chức 32 điểm bắn pháo hoa, trong đó có 9 trận địa tầm cao và 23 trận địa tầm thấp.

https://tienphong.vn/lang-banh-da-nem-vao-vu-tet-post1604171.tpo

Hoài Nam/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm