Sách Đi tìm Dora của Patrick Modiano. Ảnh: MH. |
Như nhiều người khác, Modiano tin vào những điều trùng hợp và đôi khi vào khả năng thấu thị ở các tiểu thuyết gia. Ông không coi đó là một thiên bẩm hay cái gì vượt trội, mà là một dạng đặc tính nghề nghiệp. Đó là “nỗ lực của trí tưởng tượng, vốn cần thiết trong cái nghề này, nhu cầu gắn chặt tinh thần mình vào các điểm chi tiết - và theo cách thức đầy ám ảnh - nhằm không để lạc mất sợi chỉ và rồi cứ thế buông mình biếng nhác theo”.
Một ngày trong tháng 12/1988, Patrick Modiano đọc được mẩu tin tìm người thân trên một tờ nhật báo cũ và đã không thể ngừng nghĩ đến nó hàng tháng trời. Cuốn sách Đi tìm Dora thuật lại hành trình Patrick Modiano lần tìm những manh mối về cuộc đời của một cô gái, một gia đình, một bi kịch quá khứ giờ chẳng mấy ai nhớ.
Những manh mối rải rác
Modiano cho rằng chính ở những chi tiết cụ thể trong mẩu tin mà ông cảm thấy ám ảnh không thể nào quên. Những chi tiết chính xác nhường ấy, giờ đây, lại nghiệt ngã bị cuốn vào màn đêm của sự quên lãng.
Luôn ám ảnh với quá khứ và những miền mù sương nơi ký ức, trong thế kỷ XXI, Patrick Modiano tập trung viết những tác phẩm phi hư cấu hoặc tiểu thuyết bán tự sự (autofiction) về trải nghiệm của chính mình. Trong Đi tìm Dora, Patrick Modiano hướng ngòi bút đến một cuộc đời khác, một cuộc đời mà chẳng mấy liên quan đến ông nhưng có lẽ chứa nhiều điểm tương đồng hơn ông nghĩ.
Từ những thông tin nhìn thấy trong mẩu tin, Modiano lục lọi các cuốn sổ đăng ký, khảo sát khu vực, lần gọi đến các trường nội trú... thu thập được thêm những thông tin căn bản về Dora Bruder:
Dora sinh ngày 25/2/1926, tại quận 12, Paris. Năm 1937, cô cùng bố mẹ là Ernest và Cécile Bruder tới sống trên đại lộ Ornadi, nơi Patrick Modiano đã đi qua suốt nhiều tháng, nhiều năm mà chẳng hay biết về những con người từng sống ở đấy.
Ngày 9/5/1940, Dora được ghi danh tại trường nội trú Saint-Coeur-de-Marie. Ngày 4/10 năm ấy, Ernest Bruder đi trình báo nhận số đăng ký "hồ sơ Do Thái" tại đồn cảnh sát phố Clignancourt. Ông đã không khai báo con gái mình. Một tối tháng 12/1941, Dora Bruder bỏ trốn.
Tại sao Dora bỏ nhà ra đi? Cô đã đi đâu? Cô chủ ý bỏ đi hay đã vướng phải rắc rối gì? Đó là những câu hỏi độc giả đặt ra khi đồng hành cùng con chữ của Patrick Modiano trong Đi tìm Dora.
Và tại sao tác giả lại nhắc đến hai chữ "Do Thái"? Chính Patrick Modiano cũng đã tự vấn liệu cái hạng mục "Do Thái" có ý nghĩa gì với Dora Bruder. "Xét cho cùng thì họ muốn nói gì với cái từ 'Do Thái'?".
Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, Patrick Modiano nhìn vào bối cảnh thời gian. Ông nhận ra tháng cuối năm 1941 là thời kỳ đen tối nhất, ngạt thở nhất mà Paris từng biết đến kể từ đầu kỳ Chiếm đóng.
Ngay từ ngày 10/12/1941, người Đức đã ra lệnh giới nghiêm tại quận 18. Không ai còn có thể đi vào đó sau sáu giờ chiều. Các ga tàu điện ngầm của khu phố bị đóng cửa và, trong số chúng, có ga Simplon, nơi Ernest và Cécile Bruder sống. Một vụ tấn công bằng bom đã xảy ra trên phố Championnet, ngay gần khách sạn của họ. Lệnh giới nghiêm áp dụng toàn thành phố từ ngày 8 đến ngày 14/12/1941 - cái ngày mà Dora bỏ trốn.
Cuộc bỏ trốn của Dora khiến tác giả liên hệ đến lần bỏ trốn của chính mình năm 1960. Dù hoàn cảnh chẳng giống nhau chút nào, thời điểm Modiano bỏ trốn, thành phố chẳng tăm tối như cái ngày Dora Bruder bỏ trốn. Duy có một điểm chung là hai cuộc bỏ trốn diễn ra vào mùa đông.
"Nhưng dường như cái điều đột ngột đẩy ta bỏ trốn, đó là một ngày lạnh lẽo và u ám, nó khiến ta thấy nỗi cô đơn còn dữ dội hơn và làm cho ta cảm thấy còn mạnh mẽ hơn một ê tô siết lại", Patrick Modiano viết.
Nỗ lực khai quật những mảnh đời bị lãng quên
Sự vụ này hẳn đã khiến Ernest và Cécile Bruder hoảng loạn đến chừng nào. Ernest đã không khai báo Dora trong đợt kiểm kê hồi tháng 10/1940. Ở đồn cảnh sát, người ta hẳn có thể nhận ra điều này. Trong lúc tìm cách tìm lại cô, ông cũng khiến cô bị chú ý.
Với mỗi một manh mối, Patrick Modiano nhận ra một móc xích những bi kịch mà gia đình Bruder đã phải trải qua, chỉ vì cái mác "Do Thái". Có lẽ chính vì điểm này, Modiano cảm thấy một mối liên hệ giữa những số phận kia với số phận của chính bố ông, người đã sống sót qua thời kỳ chiếm đóng, người hẳn mang những vết sẹo không phai trong ký ức, rồi để lại trong Patrick Modiano những vết sẹo tương tự.
Patrick Modiano năm 1969, khoảng thời gian ông còn hay lui tới khu phố nhà Bruder mà không hay biết. Ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images. |
Và với mỗi khám phá người viết trình ra trước mắt độc giả, ta đồng thời nhận thức được rằng còn biết bao nỗi đau khác đã trôi vào vùng quên lãng. Một lần nữa, với Patrick Modiano, ta nhận ra những cái tên và lai lịch có thể mong manh đến nhường nào.
Vì sự cảm thông và trân trọng dành cho những kiếp người ấy, Patrick Modiano từ chối biến cuốn sách thành một tiểu thuyết truyền thống. Đi tìm Dora mang cảm giác phản-tiểu thuyết mà ta thường gặp ở văn chương Pháp đương đại. Trong đó, tác giả chỉ cung cấp những gì chính ông phát hiện ra từ "cuộc điều tra" của mình. Bất cứ suy diễn hay giả định nào ông đặt ra, ông đều nêu cụ thể.
Người ta hay nói Patrick Modiano chỉ viết đi viết lại một quyển sách. Trong Đi tìm Dora, Patrick Modiano dường như đặt ra câu hỏi rằng có bao nhiều người có cùng một số phận, chúng ta chia sẻ nhau bao nhiều điểm giao thoa và như vậy có nghĩa rằng cuộc đời của mỗi cá nhân giống nhau là không có giá trị gì?
Vẫn những khắc khoải cũ, những ám ảnh cũ, Patrick Modiano cố chấp níu giữ lấy từng manh mối một. Và vì ông sợ sự lãng quên, ông không bao giờ kể qua loa, mập mờ, ông điểm tên đầy đủ những người, những địa danh ông biết. Không ít cái tên độc giả chẳng biết là ai, chỉ biết một điều rằng họ từng tồn tại. Có lẽ với Modiano, thế là đủ.
Quan điểm này thể hiện rõ nhất trong cuốn Lai lịch, trong đó ông liệt kê hàng loạt cái tên mà ông nhớ được, chỉ cho chính ông, mặc cho độc giả bối rối không biết phải lần theo cái gì, theo cốt truyện nào.
Đi tìm Dora không vị kỷ như Lai lịch. Trong cuốn sách này, Patrick Modiano tập trung khai quật những mảnh đời từ một giai đoạn lịch sử khác, cái giai đoạn mà ông và phần đông độc giả ngày nay chẳng phải trải qua.
Nhưng cũng như Modiano chọn viết về những cuộc đời ấy, ta chọn đọc để biết đã từng có những số phận như vậy. Từng có những bố mẹ mất dấu con họ. Từng có một mùa đông chia cắt một cộng đồng, "làm rối tinh và xóa mất lộ trình của họ, tới nỗi ném một nỗi nghi ngờ lên sự tồn tại của họ".
Tháng 6/2015, Patrick Modiano đã khai trương phố đi bộ Dora Bruder ở Paris. Nhờ cuốn sách Đi tìm Dora, thiếu nữ vô danh ngày nào đã được ghi vào ký ức đô thị. Patrick Modiano cho rằng đây là lần đầu tiên một thiếu niên bình thường được ghi vào bản đồ địa lý Paris. Ông phát biểu: "Dora Bruder trở thành một biểu tượng. Giờ đây, cô ấy đại diện cho ký ức của thành phố về hàng nghìn trẻ em và thanh thiếu niên đã bị kéo khỏi nước Pháp để đến Auschwitz".
Thị trưởng Paris lúc bấy giờ, bà Anne Hidalgo đã nói: "Cô gái trẻ Dora Bruder yêu thích khu phố này, vậy mà cô ấy đã bị những hành vi man rợ xé toạc khỏi cuộc sống nơi đây, chỉ vì cô là người Do Thái".
Bà nhận định: "Tưởng nhớ về quá khứ nghĩa là có thể đối đầu và đáp trả những kẻ quấy phá, những kẻ muốn chúng ta tin rằng tất cả những điều này đã là dĩ vãng hay thậm chí là chưa từng tồn tại".